Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lệch nguồn tuyển dụng giáo viên


Số giáo viên thi tuyển ở các môn toán, lý, hóa, văn bậc THPT nhiều trong khi nhu cầu tuyển dụng lại ít. Giáo viên mầm non và tiếng Anh tiểu học còn thiếu nhưng lại khó tuyển


ngày 3-8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM niêm yết danh sách và trao giấy giới thiệu công tác, phân công nhiệm sở cho các ứng viên trúng tuyển trong đợt thi tuyển viên chức vừa qua vào ngành GD-ĐT TP. Trong số 849 ứng viên tham dự xét tuyển, sở chỉ tuyển 549 giáo viên (GV) vào các trường trực thuộc sở trong năm học 2015-2016. Ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết tuy tỉ lệ chọi chỉ 1 chọi 2 nhưng có sự chênh lệch khá lớn giữa GV các bộ môn.


Toán, lý, hóa, văn hết thời?
Ông Nguyễn Huỳnh Long cho biết trong số 849 ứng viên tham dự, số ứng viên ứng tuyển các môn toán, lý, hóa, văn vẫn còn rất cao dù hiện nay, GV những môn này tại các trường THPT đã ổn định. Ngược lại, số ứng tuyển vào các môn như công nghệ, kỹ thuật công nông nghiệp rất ít, chỉ tạm tuyển đủ.


Đây không phải là năm đầu tiên có sự chênh lệch giữa các môn học. Trước đó, năm 2014, nhu cầu tuyển dụng GV dạy môn toán khối THPT của sở chỉ là 77 người nhưng số hồ sơ đăng ký dự tuyển lên đến 148. Môn vật lý, nhu cầu tuyển dụng là 51 nhưng có đến 129 hồ sơ dự tuyển. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở các môn khác như hóa, văn, sử, địa. Theo hiệu trưởng nhiều trường THPT, do dư thừa GV nên việc phân chia định mức tiết dạy gặp rất nhiều khó khăn vì GV phải đủ định mức tiết dạy để xếp thi đua. Sự chênh lệch này khiến GV tại TP HCM vừa thừa lại vừa thiếu, GV bậc THPT càng khó tìm việc.


Xem kết quả tuyển dụng do Sở GD- ĐT TP HCM niêm yết tại Trường THPT Trưng Vương


Theo hiệu trưởng một trường THPT tại quận Bình Thạnh, mỗi năm các trường sư phạm có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp, nói các trường sư phạm tính toán chỉ tiêu đào tạo cũng không ổn vì việc đào tạo không chỉ riêng cho TP HCM mà còn cho các địa phương khác nhưng bất cập ở chỗ sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên không về quê mà nhập hộ khẩu tại TP HCM để ứng tuyển.


Theo ông Nguyễn Huỳnh Long, bất ngờ trong đợt tuyển dụng vừa qua là số ứng viên trúng tuyển môn tiếng Anh khá nhiều, trình độ các ứng viên cũng đáp ứng được yêu cầu dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay.


Vất vả tuyển giáo viên mầm non, tiếng Anh tiểu học
Trong khi ứng viên đổ dồn về bậc THPT thì tại các quận, huyện, nhiều phòng GD-ĐT vẫn đang chật vật tuyển GV, nhất là khối GV mầm non và GV tiếng Anh tiểu học. Ông Lưu Hồng Uyên, Trường Phòng GD-ĐT quận 6, cho biết năm nay, quận có thêm 2 trường tiểu học, quy mô gần 2.000 học sinh nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ GV. "Năm học 2015-2016, quận 6 có nhu cầu tuyển 120 GV cả 3 khối, hiện vẫn còn thiếu hơn 10 GV mầm non và tiểu học" - ông Uyên cho biết.


Một quận có nhu cầu tuyển GV nhiều nhất là Bình Tân, tới gần 400 GV cả 3 khối. Trong đó bậc THCS 149 GV, với 9 GV tiếng Anh; bậc tiểu học 164 GV và bậc mầm non 75 GV.


Tại quận Thủ Đức, số trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của trẻ trong độ tuổi, 60% còn lại phải nhờ đến các trường ngoài công lập và nhóm trẻ gia đình. Tuy nhiên, theo báo cáo của phòng GD-ĐT quận, hiện nay các trường mầm non ngoài công lập tại quận thiếu tới 200 GV.


Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết trường đang rất băn khoăn vì năm học mới đang đến gần nhưng hiện vẫn thiếu 1 GV tiếng Anh. Trường sẽ đợi đến đợt tuyển dụng bổ sung, còn trước mắt sẽ tìm GV thỉnh giảng để bảo đảm đủ số tiết giảng dạy.


Khó tuyển GV tiếng Anh tiểu học cũng là tình trạng chung của nhiều phòng GD-ĐT. Giải thích điều này, lãnh đạo một phòng GD-ĐT cho biết đợt tuyển dụng vừa qua có 6 ứng viên ứng tuyển vào môn này nhưng chỉ chọn được 4. Trong 4 GV thì chỉ có 2 người tạm ổn, 2 người vẫn chưa đủ chuẩn. "Nếu cố gắng thì nhận cũng được nhưng khi chuyển xuống trường thì các trường không nhận, họ lý giải nếu nhận thì phải "ôm" luôn vào biên chế, đồng nghĩa phải lo quyền lợi và trách nhiệm với GV được nhận. Nếu chưa đủ chuẩn, mỗi năm trường còn phải chi kinh phí để GV đi bồi dưỡng, nâng chuẩn nên các trường cũng ngán" - vị này nêu thực tế.


Theo NLĐ