Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nan giải tình trạng thiếu trường mầm non tại các KCN


Hiện nay, việc xây dựng các trường mầm non đều chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của công nhân làm việc trong các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX).


Sự hình thành và mở rộng nhanh của các KCN, KCX đã làm thay đổi nhanh chóng sự phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố có KCN, KCX, từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Thế nhưng, sự mở rộng nhanh của các khu công nghiệp cũng tạo ra không ít các vấn đề xã hội cần được quan tâm.


Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng 2,2 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, KCX, trong đó hơn 80% là nữ giới, nhiều người trong số họ có con đang ở độ tuổi mầm non nên nhu cầu gửi trẻ là rất lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng các trường mầm non đều chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của công nhân làm việc trong các KCN, KCX.


Trong một cuộc khảo sát do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiến hành tại 5 tỉnh, thành phố có nhiều KCN gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Hải Dương, cho thấy hầu hết con của nữ công nhân ở các KCN, KCX đều gửi vào nhà trẻ tư thục chưa được cấp phép. Kết quả từ khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, trong 10 tỉnh có KCN, KCX chỉ có khoảng 17% KCN, KCX là có nhà trẻ mẫu giáo. Hiện cả nước chỉ có khoảng 115 trường mầm non tại các KCN.


Cùng với tình trạng thiếu trường, lớp học mầm non cho con em công nhân lao động, bất cập hiện nay là các trường công lập cũng chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi công nhân chỉ được nghỉ thai sản 6 tháng. Như vậy, trong khoảng thời gian trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi, người lao động biết gửi con vào đâu nếu không muốn gửi con vào những nơi trông giữ trẻ thiếu an toàn? Đây cũng là vấn đề được hàng triệu người lao động quan tâm, nếu không muốn nói là bức xúc, nhất là khi thời gian gần đây đã xảy ra khá nhiều vụ bạo hành trẻ em ở một số cơ sở trông giữ trẻ tư nhân.


Theo VTV