Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lợi bất cập hại từ việc cho trẻ học trước chương trình lớp một


Dù năm học 2015-2016 còn hơn một tháng nữa mới bắt đầu, nhưng thời điểm này nhiều phụ huynh đưa con đi học chữ. Tuy nhiên, việc này không những không mang lại tác dụng như mong muốn, mà còn làm ảnh hưởng thể chất cũng như tinh thần của trẻ.


Giờ học xếp chữ của các cháu trường Mầm non Thanh Xuân Bắc (Hà Nội). Ảnh: TRẦN HẢI


Trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học, thay vì chuẩn bị cho con hành trang khi vào lớp một, nhiều phụ huynh lại quyết định đăng ký cho con học trước chương trình. Chị Phan Minh Thu, sống ở phố Hòe Nhai (Hà Nội) có con chuẩn bị vào lớp một tâm sự: Một tuần tôi dành ra vài buổi để đưa con đi học chữ, đồng thời mua thêm sách vở để tự dạy con tập đọc, luyện chữ và làm toán thêm ở nhà. Bạn bè bằng tuổi con hầu như đã biết chữ nên tôi thấy rất sốt ruột. Ngoài ra, nhiều phụ huynh cho rằng, chương trình hiện tại còn nặng về kiến thức và chưa hợp lý, nên không cho con học trước là điều thiếu sót.


Chị Huỳnh Thu Hiền, có con vào lớp hai chia sẻ: Con tôi vừa trải qua một thời kỳ vất vả vì không học trước, chương trình học thì nhanh, độ tuổi mầm non và tiểu học chưa có sự gắn kết nên cháu hoàn toàn bị "ngợp" với môi trường mới. Không kể những lần họp phụ huynh, cô giáo thường xuyên phê bình cháu chậm biết đánh vần, biết viết cho nên không theo kịp bạn bè...


Khác với những trường hợp trên, sau khi tham khảo kinh nghiệm từ các phụ huynh có con học lớp một, chị Nguyễn Minh Phương (quận Cầu Giấy) đã quyết định không cho con học trước, bởi theo chị, cách làm này sẽ khiến con chủ quan, lơ là và mất hứng thú trong học tập. Đến bây giờ, khi con bước vào lớp hai, chị vẫn thấy quyết định của mình là đúng, mặc dù giai đoạn đầu chị cũng phải dành nhiều thời gian ôn tập lại bài trên lớp cùng con. Tuy nhiên, đến học kỳ hai, kết quả của con vượt hơn cả những bạn đã được học trước, vì mỗi bài học là một sự trải nghiệm mới, cho nên con rất hào hứng và tự giác trong học tập.


Từ thực tế nêu trên, có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ huynh cho con đi học trước khi vào lớp một, do quá kỳ vọng vào con em mình và có tâm lý chạy theo đám đông, vô tình tạo áp lực không cần thiết cho trẻ. Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) Nguyễn Thị Thúy Minh cho biết: Nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em mình học chữ ở trung tâm gia sư không có nghiệp vụ sư phạm, dẫn đến tình trạng nhiều học sinh khi đi học hình thành thói quen từ nét đặt bút, cách cầm bút không chuẩn, khiến giáo viên mất nhiều thời gian để uốn nắn lại từ đầu. Nếu các cháu chưa biết gì, thì các cô sẽ dạy nhanh hơn rất nhiều, nên rất mong các bậc phụ huynh suy nghĩ và tìm cho mình giải pháp tốt nhất, tránh tình trạng ồ ạt cho con đi học thêm hay học trước chương trình, không những ảnh hưởng đến các cháu, mà còn khó khăn cho nhà trường trong quá trình dạy học


Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, các bậc phụ huynh nên biết rằng trẻ ở độ tuổi mầm non cần được vui chơi, trải nghiệm, tìm tòi và khám phá môi trường chung quanh dưới nhiều hình thức để phát triển toàn diện, cho nên đây không phải thời điểm "vàng" để các bậc phụ huynh gò con em mình vào một khuôn khổ. Bên cạnh đó, trẻ mầm non đang quen được chăm sóc, vui chơi, nên khi vào lớp một, phải chuyển sang môi trường học tập có kỷ luật, nghiêm túc, các cháu sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng kết quả học tập. Vì vậy, việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ làm quen và hòa nhập môi trường mới là điều cần thiết.


Chị Nguyễn Tố Lan (quận Ba Đình), thay vì cho con học chữ, chị quyết định tìm đến trung tâm giáo dục kỹ năng sống để làm hành trang cho con vào lớp một. Tại đây, các con được vui chơi, trò chuyện với các bạn cùng độ tuổi, được hướng dẫn kỹ năng cầm bút, tư thế ngồi, được trải nghiệm và học hỏi thông qua các tình huống thực tế, từ cách giới thiệu bản thân, cách nói lời cảm ơn, xin lỗi cũng như tự chăm sóc cá nhân... Tất cả bài học trên sẽ làm hành trang cho con bước vào lớp một mà không bị thay đổi đột ngột.


Đề cập việc học trước chương trình lớp một, Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), Nguyễn Bá Minh phân tích: Đối với trẻ mẫu giáo, vui chơi là hoạt động chủ đạo. Dạy học theo nội dung chương trình lớp một xảy ra ở một số địa phương đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Dạy học trước chương trình là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp một, vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt. Nếu ép trẻ luyện tập quá sớm khi các bộ phận chức năng của cơ thể chưa hoàn thiện, như cơ xương tay còn yếu, khả năng chịu đựng của thị giác phải tập trung nhìn không bền... dẫn đến trẻ căng thẳng, mệt mỏi và ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý về sau của trẻ.


Vì vậy, để trẻ hào hứng với trường học mới, các bậc phụ huynh cần cho con em mình làm quen nếp sinh hoạt của trường tiểu học và trang bị cho trẻ những kỹ năng tự lập để trẻ tự tin và nhanh chóng hòa nhập việc học tập ở trường tiểu học. Bên cạnh đó, các trường tiểu học cần đặc biệt quan tâm giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn trong học tập; không yêu cầu học sinh làm các bài tập hoặc thực hiện các hoạt động vượt quá yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng; công bố các giải pháp bảo đảm chất lượng, đồng thời làm công tác tuyên truyền để phụ huynh yên tâm lựa chọn hướng đi đúng cho con em mình.


Ngoài ra, giáo viên hướng dẫn tận tình, chu đáo cho học sinh cách ngồi đúng tư thế, cách cầm bút, đặt vở, từng bước biết đọc, biết viết, làm tính toán..., giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích đối với các hoạt động học tập. Đặc biệt, các sở GD và ĐT chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện nghiêm quy định của chương trình lớp một, nhất là về nội dung dạy học và chuẩn kiến thức, kỹ năng; bảo đảm dạy cho tất cả học sinh từ những bài học đầu tiên, không bỏ qua bất kỳ bài học nào.


Theo ND