Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em Ấn Độ bỏ học vì thiếu... nhà vệ sinh


Mặc cho nhiều nỗ lực của chính phủ, hàng triệu trẻ em ở các vùng quê của Ấn Độ đã bỏ học, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là trường học thiếu... nhà vệ sinh, theo đài Channel News Asia (Singapore).


Nhiều trẻ em Ấn Độ bỏ học vì trường thiếu nhà vệ sinh - Ảnh minh hoạ: AFP


Một cuộc khảo sát của Liên Hiệp Quốc cho hay có khoảng 1,6 triệu trẻ ở tuổi đi học bị loại khỏi hệ thống giáo dục của Ấn Độ. Các em gái bị buộc ở nhà chuẩn bị lấy chồng, thay vì đi học hay kiếm nghề để nuôi sống bản thân sau này. Một nguyên nhân khác là thiếu... nhà vệ sinh.


Một học sinh cho biết khi cần sử dụng nhà vệ sinh, em phải chạy về nhà, sau đó quay lại lớp học. Nhiều em về nhà rồi không quay lại và bỏ học luôn sau đó.


Channel News Asia mô tả khung cảnh của một lớp học ở Uttar Pradesh, bang lớn nhất Ấn Độ, thật ảm đạm khi chỉ có bò và thức ăn cho súc vật, gia cầm thay vì những đứa trẻ.


Thêm vào đó, vào mùa lũ, lớp học đầy nước, giáo viên ngại không đến trường nên học sinh cũng lấy lý do đó để ở nhà. "Cả trường học mỗi ngày chỉ có 10-12 học sinh đến, đã thế lại không thấy giáo viên đâu, vì vậy lũ trẻ quay về nhà hết", một giáo viên nói.


Chính phủ Ấn Độ cố gắng cải thiện tình hình, cho xây dựng nhiều nhà vệ sinh trong trường học ở những khu làng quê để khuyến khích học sinh đến trường, khuyến khích các phụ huynh cho con mình đi học. Dù vậy, tình hình chưa được cải thiện nhiều.


Năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi hứa sẽ xây dựng mỗi trường một nhà vệ dành cho nam, nữ riêng biệt. Chương trình Trường sạch của chính phủ đặt mục tiêu xây khoảng 300.000 nhà vệ sinh ở những ngôi trường thuộc vùng xa, nhưng tới nay chỉ mới hoàn thành được một nửa.


"Kế hoạch này cần nhiều thời gian và chính quyền cũng 'nản' vì Ấn Độ có gần 30 bang", R Rajagopalan, một nhà báo kỳ cựu của Ấn Độ, nhận định.


Một khảo sát khác gần đây cho thấy khoảng 36% người Ấn Độ ở vùng quê bị mù chữ so với con số 32% của năm 2011. Khoảng 280 triệu dân nước này chưa qua khỏi trình độ cấp 1. Thất học, mù chữ là những vấn nạn xã hội mà chính phủ nước này phải đương đầu bên cạnh nạn bạo hành phụ nữ, hiếp dâm...


Theo TN