Hiểm họa bất ngờ khi cho trẻ ăn kem, uống nước lạnh Mẹ cần cảnh giác với chứng "não đông" - hiện tượng bé đau đầu do ăn kem hay đồ ướp lạnh. Đang ăn que kem, bé Dương An bỗng giật mình đánh rơi que kem và ôm đầu kêu đau. Mẹ bé vội vàng hỏi con đau ở đâu, bé nói đau nhói ở trán. Mẹ bé xoa đầu con một hồi thì gương mặt bé dần trở lại hồng hào. Theo các chuyên gia y tế, đây chính là hiện tượng "não đông" vì ăn lạnh đột ngột. Đau nhức đầu, buồn nôn vì ăn lạnh Theo mẹ bé Dương An (ở Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi con hồng hào trở lại, chị cứ nghĩ con bị trúng gió nên không để ý. Nhưng mấy tuần sau khi bé đang uống nước sinh tố đu đủ để trong tủ lạnh bằng ống hút thì tình trạng đau đầu lại diễn ra, một lúc sau lại khỏi. Lo lắng, chị đưa con đi khám bác sĩ mới biết con gặp phải hiện tượng đau đầu khi ăn kem, đồ ướp lạnh, mà trong y học gọi là chứng "não đông". Chứng đau đầu âm ỉ nhức nhối sau khi ăn kem, uống đồ ướp lạnh, nước có đá lạnh... thường xuất hiện đột ngột ở vùng thái dương, vùng trán và rất nhiều người trên thế giới mắc phải. (Ảnh minh họa)
Chị Nguyễn Thị Hạnh (ở Khánh Hòa), anh Lê Văn Thạnh (ở Bình Định) cũng than thở rằng, nắng nóng rất thích ăn kem, uống nước có đá, nhưng thỉnh thoảng lại bị đau nhói ở đầu, nhức buốt khi que kem đang tan trong miệng. Theo BS Đặng Văn Quế (nguyên BS Khoa Gan, mật - Bệnh viện Việt Đức), rất nhiều người thích ăn kem, nhất là những ngày nóng nực, ăn vào mát lạnh, sảng khoái. Nhưng ăn quá nhiều, quá nhanh, ăn không đúng cách sẽ bị đau đầu. Có người bị thoáng qua, có người bị đau nặng. Kem, nước đá, bia rượu, thực phẩm ướp lạnh (soda, sữa, nước sinh tố lạnh...) khi qua vòm họng quá nhanh sẽ kích thích mạnh niêm mạc và các cơ quan cảm giác, các đầu mút dây thần kinh điều khiển và các mạch máu lên não... nhất là vùng não trước bị kích thích tại chỗ khiến nó co lại, nhưng mạch máu vùng não lại giãn phồng ra hơn bình thường, gần như bị tăng áp lực vỏ não, khiến các mạch máu não bị phồng lên tức thời gây đau đầu như bị giật... và tạo nên chứng đau đầu thoáng qua với cảm giác nhói đau, nhức buốt ở đầu, buồn nôn. Ai không nên ăn kem, uống nước lạnh? Chứng đau đầu âm ỉ nhức nhối sau khi ăn kem, uống đồ ướp lạnh, nước có đá lạnh... thường xuất hiện đột ngột ở vùng thái dương, vùng trán và nhiều người trên thế giới cũng mắc phải. Tuy không nguy hiểm, nhưng có nguy cơ gây ức chế hệ thần kinh, đau nửa đầu rất cao. Người có thần kinh nhạy cảm cũng dễ bị đau đầu khi ăn kem giữa ngày nóng (do mạch máu giãn nở đột ngột), những người đã có chứng đau nửa đầu thì nguy cơ đau đầu này sẽ trầm trọng hơn. Vì đau nhức đầu ở giữa trán hoặc gần huyệt thái dương, gây buồn nôn nên nhiều người nhầm tưởng là trúng gió. Cơn đau kéo dài từ 30 giây tới vài phút và hiện tượng này được gọi là "não đông". Hầu hết người bệnh sẽ thấy đau đầu lâu hơn, trẻ nhỏ thường phát khóc và sợ hãi. Nhưng vì chứng đau đầu này tự hết, ít có trường hợp bị nặng phải tới bệnh viện khám và cũng không gây nguy hiểm, cũng không phải là triệu chứng của bệnh gì... mà chỉ gây khó chịu một lúc nên không phải uống thuốc hay chữa trị. Phụ nữ đang thai kỳ nên hạn chế ăn kem, đồ ướp lạnh, nhất là khi ốm nghén vì có thể làm co thắt đột ngột huyết dịch, giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus trú ngụ và lây bệnh trong đường mũi... gây thừa cân và có thể kéo theo hệ lụy (tiểu đường, hạ huyết áp, thai suy dinh dưỡng, thiếu chất, nhẹ cân, huyết quản tử cung co thắt khiến tuần hoàn huyết dịch của thai nhi kém đi và ảnh hưởng đến sự phát triển thai), chưa kể ăn phải kem không đảm bảo chất lượng. Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt cũng hạn chế dùng đồ lạnh vì sẽ dễ bị đau bụng, thậm chí kiệt sức. Người cao tuổi, người thể trạng yếu cũng hạn chế ăn đồ lạnh bởi dễ gây rối loạn tiêu hóa, bệnh đường ruột. Những người bị bệnh dạ dày, tạng yếu, tiêu hóa kém, mỡ máu cao, tiểu đường, viêm gan không nên ăn kem, uống đồ lạnh (nhất là viêm gan) mà uống nước kém chất lượng sẽ tổn thương thêm chức năng lọc của gan, khiến bệnh nặng hơn. Những người lao động nặng mồ hôi ra nhiều gây khát không nên ăn uống đồ ướp lạnh. Người bị cảm mạo, say nắng, sốt... mồ hôi không thoát ra được, cơ thể không tản nhiệt được, nếu uống nước lạnh sẽ khiến bệnh càng nặng hơn. Theo tư vấn của BS Đặng Văn Quế: Nên - Dùng thìa nhôm xúc kem, uống nước lạnh từ từ sẽ giảm bớt được độ lạnh. Thìa kim loại dẫn nhiệt tốt hơn thìa nhựa nên độ lạnh cũng bớt đi. - Dùng đồ lạnh khoảng 10oC trở lên để tránh kích thích tạo cơn đau đầu. Hoặc làm giảm chênh lệch vòm miệng và đồ lạnh bằng cách để trước miệng hà hơi hít thở một lúc sẽ giảm bớt độ lạnh. Hoặc ngậm kem, nước trong miệng một lúc hãy nuốt xuống. - Dạy trẻ khi thấy cảm giác bị đau đầu thì hãy ngừng ăn kem và đồ lạnh một lúc để vòm họng ấm lên hãy ăn, uống tiếp. - Nếu xuất hiện cảm giác nhức buốt đầu, hãy xoa bóp, massage vào chỗ đau để triệu chứng sẽ giảm và dứt. Không nên - Ăn kem ngay khi vừa đi nắng về. Hãy vào chỗ mát để cơ thể giảm nhiệt rồi mới ăn. - Ăn kem vào sáng sớm, lúc đói, sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. - Ăn đồ nóng ngay sau khi vừa ăn kem vì dễ ảnh hưởng tới lưỡi, răng.
(Theo Gia đình & Xã hội)
|