Điều con thèm nhất - Thời gian của mẹ Đến một ngày tôi chợt nhận ra, điều con cần nhất ở tôi không phải sữa, không phải đồ chơi Lego, mà là thời gian tôi dành cho con. Sữa, Lego và... Con trai tôi mê uống sữa. Sữa béo và thơm, sữa giúp con cao thành cầu thủ bóng rổ, con bảo vậy. Con ghiền sữa đến độ cả nhà gọi con là cu Sữa. Lớn hơn chút xíu, con chuyển sang mê lắp ráp Lego. Đường từ trường mẫu giáo về nhà đi qua gian hàng Lego nhỏ xinh của một cặp vợ chồng rất hiếu khách. Con thường xin mẹ vào đó... ngắm. Thỉnh thoảng khi có tiền thưởng, tiền làm thêm, mẹ lại mua cho con một bộ Lego nho nhỏ. Với con, đó là một niềm vui bất tận. Một buổi tối đi làm về, như thường lệ, rất muộn, mẹ nghe bà mách: "Thằng bé hai hôm nay không chịu uống sữa. Nó bảo nó chán sữa rồi". Mẹ lo lắng hỏi bà: "Hay nó bệnh hả mẹ? Nó có bao giờ chán sữa đâu". Bà gật đầu: "Mẹ cũng lo, nhưng sờ tay chân nó mát rượi. Ờ, còn điều nữa: Nó cất hết Lego vào hộp, nói là để dành đưa lại cho mẹ". Mẹ lao ngay vào phòng, thấy an tâm khi thấy con ngủ rất yên bình, trán vẫn mát. Mẹ chép miệng động viên bà mà cũng là động viên mình: "Chắc không có gì đâu mẹ. Trẻ con mà, hồi thích cái này, lúc mê cái khác. Không chơi Lego nữa thì con đỡ tốn tiền. Nhưng sữa thì... bà chịu khó dỗ cháu uống giùm con bà nhé. Cứ dọa nó: không uống sữa mai mốt lùn giống mẹ là nó sợ". Và rồi câu chuyện về sữa và Lego "bốc hơi" ngay khi mẹ vùi đầu vào đống giấy tờ sổ sách mang về làm thêm. Ảnh minh họa. Cuối tuần, được một ngày rảnh rang, mẹ đưa con vào công viên chơi cầu tuột, xích đu. Con leo trèo, chạy giỡn và gọi mẹ ríu rít. Giữa buổi, mẹ đưa hộp sữa, con uống ngon lành. Vừa uống, con vừa khoe hồn nhiên: "Con giỏi không mẹ, con nhịn sữa được một tuần rồi đó mẹ". Mẹ ngạc nhiên hỏi: "Sao con phải nhịn sữa? Sao con bảo bà là con chán uống sữa mà. Lùn không chơi bóng rổ được đâu". Con phụng phịu bảo: "Lùn như mẹ cũng được. Nhưng con không uống sữa, không chơi Lego nữa mẹ mới có thời giờ chơi với con... như hôm nay nè". Chưa kịp hiểu suy nghĩ của con, mẹ hỏi lại: "Sao kỳ vậy? Con cứ uống sữa, cứ chơi Lego, mẹ vẫn có thời giờ chơi với con mà". "Không phải, mẹ đi làm miết làm miết. Tối về cũng làm. Lúc nào cũng nghe mẹ nói: Mẹ phải làm việc mới có tiền mua sữa, mua Lego cho con. Thôi vậy. Con không uống sữa. Không chơi Lego để mẹ có thời giờ chơi với con"...
Tôi lặng người trong tiếng cười trong trẻo của con. Đúng là rất nhiều lần khi con rủ: "Mẹ ra chơi với con", "Mẹ đi ngủ với con", "Mẹ, Chủ nhật này/ lễ này/ hè này, mình có đi đâu không mẹ"? Câu trả lời của tôi luôn là: "Mẹ phải làm việc". Và khi con phụng phịu: "Mẹ làm việc gì mà nhiều thế", tôi thường nựng nịu con (lúc vui): "Mẹ làm mới có tiền mua sữa, mua Lego cho con". Còn lúc bực bội, mệt mỏi, tôi cáu gắt: "Không làm, lấy gì mà ăn hả con?". Tôi đã luôn nghĩ rằng mình làm việc nhiều, kiếm tiền nhiều, lo lắng đầy đủ mọi nhu cầu vật chất của con chính là mình sống vì con. Chắc không chỉ riêng tôi, nhiều bà mẹ khác cũng vậy, chỉ thay sữa, Lego bằng sách, bằng bánh, kẹo... tùy thứ con thích. Chiều hôm đó, trong công viên, khi nhìn ánh mắt trong trẻo thơ ngây của con ngước lên chờ đợi, tôi nhận ra rằng mình đã hoài phí rất nhiều. Mình đã lỡ rất nhiều cơ hội, thời gian để được ở bên cạnh con, lắng nghe con, vui chơi với con và chia sẻ với con... Cần bao nhiêu thời gian để bên con? Bao nhiêu thời gian cho con là đủ? Tôi rất muốn trả lời ngay: Thời gian con cái cần để ở bên cha mẹ là vô hạn định. Trò chuyện với bạn bè điều trăn trở của mình, có người trề môi nói: "Lại lý thuyết của các nhà tâm lý nước ngoài chứ gì. Tui biết rồi. Những người dành thời gian cho con cái càng nhiều (trung bình 12 tiếng/ngày trong độ tuổi 0-2 tuổi, 10 tiếng/ngày trong độ tuổi 2-4 tuổi, 8 tiếng/ngày trong độ tuổi 4-6 tuổi và 6 tiếng/ngày trong độ tuổi 6-12 tuổi) thì con cái họ có xu hướng trở thành người tốt càng cao. Nhưng đó là ở các nước đang phát triển, khi mà mọi chế độ bảo hiểm, những ưu tiên chính sách dành cho các bà mẹ, con trẻ thì được sống trong môi trường tuyệt hảo cả về vật chất lẫn tinh thần. Và nói chung là vì họ chẳng phải lo về vật chất nhiều. Còn chúng ta, đang phải đầu tắt mặt tối, quần quật làm mới mong có được những điều kiện tương đối cho con cái của mình. Thời gian chính là điều xa xỉ nhất đó". Ảnh minh họa. Có phải vậy không? Tôi thử một lần thí nghiệm về thời gian dành cho con. Đi làm về, không vội vàng quăng hết đồ đạc để lao vào bếp như mọi khi, tôi tắm nhẹ, để trôi hết mọi bụi bẩn trên đường và ngồi cùng con xem những bức tranh con đã vẽ trong cả một ngày vắng mẹ. Tôi trò chuyện với con về màu sắc. Tôi chơi ráp hình với con... Chỉ nửa tiếng đồng hồ. Nửa tiếng tôi cố gắng gạt bỏ mọi lo toan, suy nghĩ. Chỉ nửa tiếng, tôi nhận ra con đã không còn "đói mẹ" nữa. Lúc này tôi mới bắt đầu nấu bữa cơm chiều. Con tôi khi đó đã thỏa mãn, ngoan ngoãn chờ những món ăn mà tôi "vẽ" cho con trong khi nói chuyện. Bữa cơm tối muộn đi nửa tiếng nhưng hạnh phúc biết chừng nào. Tôi nghĩ không cần đến vài tiếng như lý thuyết của các nhà tâm lý, chỉ là 30-60 phút một ngày, thế là đã đủ với những đứa trẻ "đói" cha, "đói" mẹ ngày nay. Điều gì sẽ mang con trở về? Có ai đó đã từng nói rằng, thời gian của cha mẹ chính là tuổi thơ của con. Nghiệm lại, tôi thấy điều đó thật chính xác. Tôi nhớ lại tuổi thơ của mình. Ngày ấy ba má tôi vất vả, cực nhọc nhiều lắm để nuôi chị em tôi khôn lớn. Thế nhưng họ vẫn dành cho chúng tôi rất nhiều thời gian của họ. Những buổi chiều, buổi tối, khi về nhà, sau bữa cơm chiều, ba má trò chuyện với chúng tôi. Mấy chị em tôi biến giường thành sân khấu, hai cánh mùng thành màn che để bước ra chào, ba má thành khán giả. Và biết bao trò chơi đã diễn ra trong ngôi nhà chật chội chưa hề có phòng riêng nào cho từng đứa con. Cách đây không lâu, tại một khu vui chơi của thiếu nhi, người ta phát hiện có đến tám đứa trẻ bị xâm hại tình dục khi bố mẹ đưa các con vào đây chơi. Họ làm gì, những người cha và mẹ đó, khi đã dành cho con một nửa sự quan tâm: đưa con vào công viên? Họ ra ngoài ngồi uống cà phê, họ bấm điện thoại chơi game hay dạo mạng. Những đứa trẻ đã bị hủy hoại tuổi thơ ngay trước mặt cha mẹ mình! Tôi đã từng sợ hãi khi nghĩ lại rằng một ngày nào đó con sẽ lớn lên và rời xa khỏi vòng tay mình. Những buổi chiều của một người già, bên cửa sổ, tôi sẽ không tìm ra trong ký ức mình những trò chơi với con, những câu chuyện đọc cho con nghe, những giận hờn, yêu thương và chăm sóc. Sẽ chỉ có trong đó là những vật lộn, đua chen với cuộc đời. Và con tôi, khi sải cánh bay xa vào vùng trời rộng, nó sẽ chẳng có những kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào và đẹp đẽ nào. Điều gì sẽ chở che con khi con thất bại và buồn đau. Điều gì sẽ níu lòng con để con trở về với mái nhà của cha mẹ. Có những chia sẻ yêu thương, gần gũi nào để con hiểu rằng tình yêu thương gia đình là đẹp nhất? Những kỷ niệm tuổi thơ của con chẳng lẽ chỉ là sữa, Lego, máy tính bảng và internet? Chất lượng hơn số lượng Nếu tách riêng ra để lần lượt hỏi cả ba mẹ con tôi xem khoảng thời gian nào trong ngày được mong đợi nhất, có lẽ câu trả lời sẽ "không hẹn mà gặp", rằng: đó là lúc trước và sau khi ngủ dậy."Mẹ kể chuyện vui, buồn cười đi!", "Mẹ kể chuyện cảm động đi!", "Mẹ chơi trò câu đố đi!", "Mẹ đọc thơ đi!", "Mình cùng hát một bài thật to đi mẹ!"... Những yêu cầu đáng yêu ấy gắn mẹ con chúng tôi lại với nhau vào mỗi tối, thậm chí là mỗi khuya và cả những sớm mai vừa thức dậy. May, vì tôi vốn là bà mẹ với "cái miệng hay nói lép bép và cái đầu đầy những câu chuyện lảm nhảm", nên hoàn toàn có thể đáp ứng được các "đơn hàng" phục vụ của bọn nhóc. Chúng hong hóng đợi mẹ về để cùng đi ngủ. Chúng thất vọng buồn thiu nếu sớm mai hôm nào đấy trở dậy chẳng thấy mẹ nằm bên cạnh để ôm chặt mà thủ thỉ yêu thương chào ngày mới. Bởi bà mẹ bận rộn tham công tiếc việc là tôi hay đi suốt, thường chỉ có thể ở bên con vào thời điểm đó. Đành tự an ủi mình rằng, thôi thì có thể thu xếp dành cho con chút thời gian nào, hay chút ấy. Chất lượng vẫn hơn số lượng, phải không nào? Nên mấy mẹ con tôi trân trọng từng phút giây ngắn ngủi được nằm bên nhau, quý từng vòng tay ôm ấp, những lời âu yếm và bao cử chỉ âu yếm bù đắp khác. Bao nhiêu nhớ mong đều "nén" lại để chờ lúc mẹ về, sà vào con trong chăn êm nệm ấm, ôm chặt lấy đứa nhỏ, vỗ về đứa lớn, lắng nghe con bày tỏ đủ điều... Có những đêm tôi về rất trễ, khẽ khàng bước vô phòng, nhìn hai con đã ngủ say sưa bên nhau mà ở giữa vẫn chừa ra một khoảng trống chờ đợi, tôi chỉ muốn rơi nước mắt vì tiếc nuối. "Mình sao tệ quá, dù có thế nào cũng phải về nhà sớm hơn mà ngủ với con" là cảm xúc rất thật của tôi khi ấy. Rồi tôi chuồi mình nằm bên cạnh chúng, hít hà mùi thơm con trẻ quen thuộc, chạm tay vào làn da, dịu dàng hít nhẹ lên cái má phính của lũ trẻ, thầm thì rằng "Mẹ yêu con", thì còn hạnh phúc nào hơn nữa trên đời...
Theo Phụ Nữ Online
|