Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tác hại "giật mình" khi cho con dùng ti giả


Vật dụng "kinh điển" thường có trong danh sách đồ dùng sơ sinh lại là thứ gây nguy hại đến bé yêu nếu mẹ không biết sử dụng đúng cách.

Núm vú giả là vật dụng yêu thích của nhiều ông bố bà mẹ để trị cơn quấy khóc của trẻ sơ sinh, giúp bé bình tĩnh lại, ngủ ngon. Tuy nhiên, cho bé dùng núm vú giả quá lâu, quá sớm hay không đúng cách có thể để lại hậu quả khôn lường.

1. Ngậm núm vú giả sớm có thể ảnh hưởng đến việc bú sữa mẹ

Bú sữa mẹ khác với bú từ núm vú hoặc từ chai sữa, và một số em bé rất nhạy cảm, có thể phát hiện ra được sự khác nhau đó. Các nghiên cứu khoa học cho thấy các bé sớm ngậm núm vú giả thường giảm hứng thú với bú sữa mẹ và giảm thời gian bú mẹ xuống đáng kể.

2. Bé bị phụ thuộc vào núm vú giả

Khi em bé luôn phải dùng đến núm vú giả để đi ngủ, nếu vì một lí do nào đó mà không có núm vú cho bé ngậm, bé sẽ quấy khóc rất nhiều và khó dỗ dành được. Có bé sẽ còn mút tay hoặc đưa các dị vật khác vào miệng thay thế.

3. Tăng nguy cơ viêm tai giữa

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, núm vú giả còn làm gia tăng nguy cơ bé bị viêm tai giữa, nếu không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

4. Dễ lây nhiễm vi khuẩn

Bé có thói quen ngậm núm vú giả lâu ngày, nếu núm vú giả bị rơi ra khỏi miệng bé trong trường hợp không có người lớn bên cạnh thì bé sẽ tự nhặt núm giả cho vào miệng ngậm tiếp, tạo điều kiện cho vi trùng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể của bé.

Ngậm núm vú giả quá lâu khiến răng bé có thể mọc lệch lạc, biến dạng. (Ảnh minh họa)

5. Nguy cơ bị các vấn đề về răng miệng

Ngậm núm vú trong thời gian dài dẫn đến các vấn đề về răng miệng cho bé. Dùng núm vú giả cho bé trong năm đầu tiên không gây ra tác hại liên quan đến răng miệng nhưng nếu để bé ngậm qúa lâu, răng bé sẽ bị mọc lệch lạc, biến dạng hoặc xiêu vẹo.

Mẹo dùng núm vú giả an toàn cho bé:

- Đợi cho đến khi bé hình thành thói quen bú sữa mẹ: Nếu bạn đang cho con bú, hãy đợi đến khi bé được 3-4 tuần tuổi và khi hai mẹ con đã có lịch trình "ti sữa" đều đặn mới cho bé dùng núm vú giả.

- Không chọn núm vú giả là biện pháp đầu tiên: Đôi khi, mẹ chỉ cần thay đổi tư thế bế ẵm hay cho bé nghe một bản nhạc là có thể xoa dịu cơn khóc quấy của con. Núm vú giả chỉ nên dùng sau hoặc trong khi đang cho bé ăn.

- Chọn núm vú liền một khối, làm bằng silicon. Núm vú hai mảnh thường sẽ rất dễ khiến bé hóc, nghẹn nếu bị đứt, vỡ. Nên dự phòng 1-2 chiếc cho bé để thay lúc cần.

- Không ép bé ngậm núm vú. Nếu bé không thích núm vú giả khi bạn cho bé ngậm thử lần đầu, bạn có thể thử lại 1-2 lần hoặc bỏ luôn việc này. Và nếu núm vú giả rơi ra khi bé đang ngủ, đừng đút nó lại cho bé.

- Khử trùng núm vú trước khi cho bé ngậm. Trước khi bé được 6 tháng tuổi, luôn nhớ luộc núm vú cho sạch sẽ rồi mới để bé ngậm. Bé từ 6 tháng tuổi trở đi, bố mẹ có thể rửa núm vú bằng xà phòng và nước sạch rồi cho bé dùng. Tuyệt đối không làm sạch núm vú giả bằng cách cho vào miệng mình, cách này chỉ làm lây vi khuẩn từ miệng bạn sang con mà thôi.

- Không cho bé dùng núm vú giả có bọc đường ngọt bên ngoài.

- Thay núm vú thường xuyên và chọn núm vú phù hợp với tuổi của bé. Nhớ kiểm tra núm vú thường xuyên để phát hiện hư hỏng. Đặc biệt, không bao giờ được xâu dây để đeo núm vú giả quanh cổ bé.

 

Theo H.Nguyễn (Mayoclinic) (Khám phá)