Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nghệ An giải bài toán định biên giáo viên mầm non


Nghệ An hiện đang thiếu 2.508 giáo viên mầm non so với yêu cầu. Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định về việc thêm 1.600 định biên.


Theo đó, ngoài việc ưu tiên số giáo viên đã có thời gian hợp đồng nhiều năm tại các trường mầm non công lập, còn ưu tiên xét tuyển số giáo viên hợp đồng dôi dư cấp THCS và tiểu học sau khi được đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của ngành học mầm non.


"Giải cứu" cho nhiều giáo viên hợp đồng
UBND tỉnh Nghệ An vừa có quyết định giao 1614 người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các trường mầm non công lập hưởng lương từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT - BGDĐT - BTC - BNV và nguồn hợp pháp khác của đơn vị.


Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có thông tư hướng dẫn liên ngành số 288 ngày 06/3/2015 của Liên Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, chỉ rõ, đối tượng được hỗ trợ làm giáo viên mầm non đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.


Theo đó, ngoài việc ưu tiên số giáo viên đã có thời gian hợp đồng nhiều năm tại các trường mầm non công lập, giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu được UBND tỉnh phê duyệt mà UBND huyện đã thực hiện xét tuyển đúng quy trình hợp đồng lao động, thì còn ưu tiên xét tuyển số giáo viên hợp đồng dôi dư cấp THCS và tiểu học sau khi được đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của ngành học mầm non.


Quyết định này của UBND tỉnh đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các giáo viên. Ông Nguyễn Đức Vĩnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn, Nghệ An cho biết: "Tôi rất đồng tình với chủ trương này của UBND tỉnh, đây là bài toán nhân văn và giải cứu cho rất nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm, đang chờ được vào biên chế.


Huyện Anh Sơn được giao 100 chỉ tiêu biên chế mầm non, trong khi có khoảng 250 giáo viên ở bậc THCS và tiểu học dôi dư và khoảng 50 giáo viên ở bậc mầm non đang là giáo viên hợp đồng huyện, đã công tác và có nộp bảo hiểm".


Còn cô giáo Nguyễn Thị Công cũng đã tròn 10 năm công tác và nhận chế độ lương theo hình thức hợp đồng huyện. "Hiện nay, có thêm định biên cho bậc mầm non, và ưu tiên đối với những trường hợp này, không chỉ các cô, mà lãnh đạo trường cũng cũng rất vui mừng phấn khởi.


Đây là nguồn động viên, động lực để các cô tiếp tục cố gắng, phấn đấu, yên tâm công tác. Các cô đã mong mỏi, và chờ đợi rất lâu để được vào biên chế.


Việc được tuyển dụng lần này, sẽ là đền đáp xứng đáng với những gì các cô đã cống hiến cho trường cho các em học sinh", cô Nguyễn Thị Bé, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Anh Sơn chia sẻ.


Chờ các hướng dẫn cụ thể
Trăn trở chung của các giáo viên trước thềm "chuyển đổi" là việc xuống dạy ở bậc mầm non sẽ không đúng với chuyên môn đào tạo trước đó, nếu được đào tạo cấp chứng chỉ mầm non, thì chất lượng giáo dục cũng sẽ khó đảm bảo được như những giáo viên mầm non được đào tạo bài bản.


Thứ 2, nếu được tuyển vào biên chế mầm non, thì những giáo viên ở bậc tiểu học, THCS sẽ được hưởng lương theo khung lương nào? Theo bằng cấp họ được đào tạo trước đó, hay theo chứng chỉ mầm non.


Thứ 3, nếu học thêm nghiệp vụ mầm non, thì thời gian học là bao nhiêu, học ở đâu?


Thứ 4, khi có thêm biên chế ở bậc tiểu học và THCS, thì họ có được quay trở lại tuyển dụng hay không?


Và ngoài ra việc điều động công tác ở các trường mầm non cơ sở sau khi được nhận có được tạo điều kiện thuận lợi về khoảng cách địa lý.


Tại huyện Diễn Châu, được giao định biên mầm non năm 2015 là 190, trong khi số giáo viên dôi dư ở bậc THCS và tiểu học là 150, số hợp đồng mầm non khoảng 50 cô.


Để có cơ sở bố trí số giáo viên trên sang dạy mầm non, Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT Nghệ An xin hướng dẫn về các vần đề: Số giáo viên này có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non và bằng cấp chuyên môn hiện tại đã đủ điều kiện sang dạy mầm non chưa?


Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non do cơ sở giáo dục nào bồi dưỡng và bồi dưỡng thời gian bao nhiêu là đúng quy định? Nếu giáo viên thuộc đối tượng trên đi đào tạo lấy bằng cấp sư phạm mầm non trở lên (ít nhất 1 năm), sau từ 1 năm đến 2 năm có bằng sư phạm mầm non chuyển sang dạy mầm non có còn thực hiện được nữa không?...


Hiện tại, các huyện của tỉnh Nghệ An vẫn chưa có quyết định chính thức nào về việc mở lớp đào tạo nghiệp vụ và tuyển dụng giáo viên, mà mới chỉ có công văn gửi về các trường tiểu học và THCS, để các giáo viên có nguyện vọng đăng ký thi tuyển.


Ưu tiên đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non
Bà Lê Thị Hường, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Nghệ An bày tỏ lo ngại về việc đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non nếu như tuyển giáo viên từ bậc THCS và Tiểu học.


Theo đó, ngành mầm non có những đặc thù riêng, ngoài tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, theo điều lệ trường mầm non, giáo viên phải có trình độ trung cấp mầm non trở lên, thì còn phải có năng khiếu, hiểu tâm lý trẻ...


Trong khi việc đào tạo chứng chỉ mầm non cho đội ngũ giáo viên từ tiểu học và THCS với thời gian 3 - 6 tháng có đảm bảo được những yêu cầu đó hay không? Chưa nói đến cơ sở nào bồi dưỡng và bồi dưỡng thời gian như thế nào là đúng quy định?


Bên cạnh đó, một số lượng các cô mầm non theo diện hợp đồng trường, không thuộc đối tượng ưu tiên trong đợt xét tuyển này, thì liệu có thiệt thòi cho họ hay không, trong khi họ đảm bảo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ và đã có kinh nghiệm dạy bảo các cháu nhỏ.


Theo kế hoạch, Nghệ An sẽ về đích phổ cập giáo dục mầm non vào cuối năm 2015. Nghệ An vẫn còn một số phòng tạm, và thiếu giáo viên (đặc biệt trong điều kiện 90% bán trú). Thực tế này, thời gian quá gấp rút để tuyển dụng giáo viên, đặc biệt ưu tiên xét tuyển số giáo viên hợp đồng dôi dư tại cấp THCS và tiểu học.


Làm thế nào để vừa tuyển đủ giáo viên vừa đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non và không chậm phổ cập mầm non là điều mà Sở và các phòng ban rất quan tâm.


Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Hiện Sở đã giao trách nhiệm tuyển dụng về các huyện, căn cứ theo Thông tư hướng dẫn liên ngành của UBND tỉnh. Chủ trương của tỉnh ưu tiên đối tượng hợp đồng và đã đóng bảo hiểm lâu năm mà chưa được vào biên chế.


Giáo viên dôi dư ở bậc THCS và tiểu học nếu có nguyện vọng tham gia công tác ở bậc mầm non, phải học thêm một chứng chỉ mầm non để có thể đảm bảo yêu cầu công tác đối với bậc học này, mặc dù trên thực tế, việc tuyển dụng này trái với điều lệ trường mầm non.


Tuy nhiên, đây là một giải pháp tình thế, hết sức có tình, có lý của UBND tỉnh để giải quyết vấn đề biên chế cho các giáo viên đã có công tác trong ngành Giáo dục lâu năm mà chưa được vào biên chế.


Theo GD&TĐ