Đây là thông tin được Sở GD&ĐT TPHCM báo cáo với Ban Văn hóa Xã hội - Hội đồng nhân dân TPHCM trong buổi làm việc về việc thực hiện Nghị quyết 01-hỗ trợ giáo dục mầm non vừa qua.
Báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Thời gian gần đây mặc dù có nhiều trường mầm non được xây mới và đưa vào sử dụng tại các quận huyện, công tác cải tạo hệ thống trường lớp từng bước được cải thiện tuy nhiên vẫn chưa thể hoàn toàn đáp ứng hết nhu cầu.
Tính từ đầu năm học 2014-2015 đến nay, TPHCM đã đưa vào sử dụng mới 259 phòng học và từ giờ đến cuối năm TPHCM sẽ hoàn thành xây dựng mới 217 phòng học mầm non.
Hiện toàn TP có 72 dự án tham gia huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng trường mầm non trên địa bàn, với tổng mức đầu tư hơn 2.760 tỉ đồng. Trong đó có 21 dự án đã được khởi công. Tuy vậy, hiện TPHCM vẫn còn 11 phường chưa có trường mần non, trong đó có những địa phương không có quỹ đất để xây trường.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng trường mầm non trong các khu chế xuất, khu công nghiệp dù đã được các nhà đầu tư quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi còn nhiều khó khăn, thiếu đội ngũ giáo viên mầm non. Số nhóm, lớp tư thục vẫn còn nhiều, (khoảng 560 hộ giữ trẻ gia đình).
Tại buổi làm việc, các đại biểu Ban Văn hóa Xã hội - Hội đồng nhân dân TPHCM đặc biệt quan tâm về biên chế giáo viên mầm non, việc xã hội hóa đầu tư xây dựng các trường mầm non ở các khu chế xuất và khu công nghiệp, công tác bố trí giờ giấc giữ trẻ sao phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân... và đề nghị Sở GD&ĐT phải sớm có các giải pháp tháo gỡ những kho khăn ấy cho nhà trường và phụ huynh.
Các đại biểu cũng lưu ý lãnh đạo ngành giáo dục thành phố: Trong lộ trình xây trường mầm non, phải thống kê, cập nhật thường xuyên về số trẻ trong độ tuổi và khả năng của các trường, để các giải pháp quản lý trẻ được hiệu quả, tránh những rủi ro xảy ra.
Theo GD&TĐ