Theo con số thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật với số lượng các em khuyết tật nặng và đặc biệt chiếm khoảng 31%. Từ nhiều năm nay, Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ công tác giáo dục và đào tạo trẻ khuyết tật.
Ảnh minh hoạ
Trong 1,2 triệu trẻ khuyết tật (chiếm 1,18 % dân số), lượng trẻ khuyết tật đi học chỉ chiếm 24,22%, có khoảng 700.000 trẻ khuyết tật chưa từng được đến trường. Nguyên nhân chính khiến trẻ chưa đi học là do tật quá nặng, trẻ chưa có nhu cầu đi học hoặc thiếu tự tin trong học tập.
Trước thực trạng trên, xác định "giáo dục là quốc sách hàng đầu", " đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển", Chính phủ luôn ưu tiên dành một lượng ngân sách đáng kể để phát triển giáo dục và đào tạo với 20% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục được giữ ổn định từ năm 2007 tới nay. Trong ngân quỹ hàng năm đó, một lượng lớn đã được dành cho công tác giáo dục trẻ khuyết tật.
Đẩy mạnh giáo dục hòa nhập
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển từng nói: "Giáo dục là một quyền cơ bản của con người và là điều kiện tiên quyết để thực hiện các quyền khác của con người. Mục tiêu của ngành giáo dục là nổ lực để tất cả mọi người trong xã hội được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng, thân thiện và bình đẳng". Để thực hiện được chỉ đạo đó, toàn ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều nổ lực để đẩy mạnh tốc độ huy động và tiếp nhận trẻ khuyết tật nhập học và học tập có chất lượng.
Công tác huy động trẻ khuyết tật tới trường là vô cùng quan trọng. Ông Trần Văn Khánh, Phó Giám đốc Quỹ Vì Trẻ em khuyết tật từng nói: "... khi các cháu cắp sách tới trường, cũng là lúc các cháu chiến thắng chính bản thân mình. Tự cho mình cơ hội để vượt lên số phận và chấp nhận đương đầu với khó khăn, vất vả...".
Thực hiện Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Người khuyết tật, Bộ GD&ĐT đã ban hành các chính sách hỗ trợ về giáo dục người khuyết tật (người dạy và người học); đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên có kỹ năng giáo dục trẻ khuyết tật; tăng cường cơ sở vật chất cho học sinh kém may mắn tiếp cận được, trang thiết bị dạy học đặc thù nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giáo dục trẻ khuyết tật, nhất là công tác giáo dục hòa nhập. Giáo dục hòa nhập không chỉ đơn giản là đưa trẻ khuyết tật vào trong một chương trình giáo dục chung với trẻ bình thường mà còn cần thiết lập những bước rõ ràng để đảm bảo cho trẻ khuyết tật được tham gia một cách đầy đủ và tích cực những hoạt động trong lớp học.
Điểm sáng giáo dục tiểu học
Theo số liệu từ Bộ GD&ĐT, trong khoảng thời gian từ 2008 - 2013, Việt Nam đã thực hiện giáo dục chuyên biệt cho 79.580 học sinh khuyết tật cấp tiểu học và giáo dục hòa nhập cho 333.211 học sinh khuyết tật cấp tiểu học. Đặc biệt, công tác giáo dục hòa nhập thành công lớn trong năm học 2008 - 2009 với 147.929 em.
Kết quả học tập của học sinh khuyết tật có nhiều tiến bộ đáng kể, số học sinh xếp loại học lực trung bình trở lên đạt 48,5%. Ngoài ra số học sinh lưu ban, bỏ học cũng giảm nhiều.
Nhiều tấm gương học sinh khuyết tật vượt khó học tốt, đạt thành tích cao đã được tuyên dương trong "Lễ tuyên dương khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015 và học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2014-2015". Trong đó nổi bật có em Hoàng Lê Trà My, học sinh lớp 2A Trường Tiểu học Thanh Lâm bị khiếm khuyết ở chân nhưng luôn là học sinh xuất sắc, đoạt giải Nhất hội thi Viết chữ đẹp cấp quốc gia. Em hàng ngày vẫn đều đặn cùng mẹ tới trường, nhiều năm liền không nghỉ buổi học nào.
Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giáo dục cho trẻ khuyết tật, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1019/QĐ - TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, trong đó đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 có 60% trẻ khuyết tập được tiếp cận giáo dục và đến năm 2020 đạt 70%.
Để thực hiện được chỉ tiêu đã đề ra, công tác giáo dục trẻ khuyết tật đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội chung tay vì sự nghiệp đầy ý nghĩa này.
Theo Báo Giáo Dục