Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sai lầm "ngã ngửa" khi chăm con của mẹ Việt ngày nóng


Vừa đi nắng về cho con tắm ngay lập tức, uống nước đá khi khát, "cố thủ" không ra khỏi phòng điều hoà 24/24...là những thói quen phổ biến.

Trời nắng nóng khiến nhiều bà mẹ chỉ muốn làm mọi cách giúp con mát mẻ thoải mái. Tuy nhiên, nhiều hành động chăm con tưởng như đã là thói quen quá bình thường lại hoàn toàn phản khoa học và thậm chí gây hại cho sức khoẻ của trẻ.

Vừa đi nắng về cho con tắm ngay lập tức

Mùa hè, mỗi lần cho con trẻ ra ngoài vui chơi bao giờ khi về mồ hôi cũng nhễ nhại. Đương nhiên, người lớn luôn muốn cho con tắm ngay để bé "thoải mái" sạch sẽ. Tắm cho con ngay sau khi đi nắng là thói quen rất vô tình của nhiều bà mẹ. Tuy nhiên thói quen này ẩn chứa nhiều nguy hại.

Có thể khi đang đi nắng về, cơ thể trẻ nóng nực, nhiều mồ hôi, gặp nước sẽ thấy rất mát mẻ. Thực chất lúc này, nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột rất có thể sẽ khiến trẻ bị cảm. Ngoài ra, lúc này các lỗ chân lông cũng đang nở to. Nếu tắm, đặc biệt là tắm nước lạnh sẽ làm cái lạnh thấm vào người bé đột ngột, dễ gây sốc, ho, sốt, viêm phổi.

Vì vậy sau khi đi nắng về, mẹ nên cho bé nghỉ ngơi ít phút, lau mặt và tay chân nhẹ nhàng rồi sau đó mới nên đi tắm.

"Cố thủ" trong phòng điều hoà 24/24

"Trời nắng nóng khiến người lớn cũng chẳng muốn đi ra ngoài nữa là trẻ em", tâm lý này khiến nhiều bà mẹ, nhất là những chị em mới sinh, đang chăm con nhỏ quyết định ôm con "cố thủ" trong phòng điều hoà cả ngày.

Cách làm này không tốt cho sức khoẻ và hệ hô hấp của trẻ. Bật điều hoà cả ngày sẽ khiến không khí tù đọng. Ngoài ra, trẻ nằm điều hoà rất dễ bị mất nước. Mất nước không những khiến cơ thể suy nhược, dễ bị ốm, khô da, khô môi mà còn khiến con hay gặp táo bón do phân cứng khó tiêu.

Do đó, mỗi ngày, ít nhất mẹ phải 2 lần tắt điều hòa, mở hết các cửa. Đồng thời cũng cần lưu ý không nên để bé bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ví dụ, không cho bé vào phòng bật điều hòa khi đang ở ngoài trời nắng nóng, không cho bé đang ở trong phòng điều hòa đột ngột ra môi trường có nhiệt độ chênh lệch. Việc tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ chênh lệch sẽ khiến trẻ dễ sốc, ốm vì chưa thích nghi môi trường.

Ra đường "một tí" không cần kem chống nắng che chắn cho con

Nhiều mẹ Việt thậm chí không ngại xấu để khoác lên mình những bộ đồ tránh nắng dày cộp nhằm bảo vệ làn da, vậy nhưng với con trẻ, họ lại thoải mái để con ra đường dưới ánh nắng chói chang mà không cần kem chống nắng hay bất cứ vật gì che chắn làn da.

Đây là sự chủ quan vô cùng tai hại. Da trẻ sơ sinh mỏng và "bắt nắng" thậm chí còn gấp nhiều lần da người lớn. Thậm chí, khi cho con chơi dười bóng râm thì những tia tử ngoại vẫn có thể chạm đến làn da của bé. Trong một ngày nhiều mây, vẫn có tới 80% tia UV có thể xuyên qua và chạm đến da.

Trẻ nhỏ nếu không bảo vệ kỹ làn da thì rất dễ bị đen, sạm, khi lớn khó lòng "hồi phục", thậm chí còn tăng nguy cơ ung thư da.

Thốc thẳng quạt vào nơi con nằm

Nhiều chị em, nhất là những gia đình ở quê không dùng điều hoà, thì thường "chiều" con bằng cách dành riêng cho bé một cái quạt, để hướng quạt quay thốc thẳng vào con, nhất là ban đêm. Ngoài nguy cơ bị lạnh, hành động này sẽ khiến trẻ choáng váng khi ngủ dậy.

Quạt khi chạy hay hút bụi từ không khí xung quanh vào mình. Bật quạt thốc thẳng vào mặt cũng có xu hướng khiến trẻ phải chịu "lây" một số bụi bẩn vô hình.

Ăn kem, uống nước đá khi khát

Mùa hè nắng nóng, trẻ nhỏ lại vận động nhiều nên các bé rất khát nước. Vừa nóng vừa khát nên bé nào cũng thích uống một cốc nước đá hoặc ăn kem vì nghĩ là sẽ mát và đỡ khát. Nhưng sự thực lại không đúng như vậy. Các phân tử nước trong nước uống lạnh lúc đó đang tích hợp lại sẽ rất khó thấm vào tế bào, nên dù trẻ có uống nước lạnh thì cơ thể vẫn rất khát.

Ngoài ra nước đá, kem lạnh khi đi vào đường tiêu hóa sẽ kích thích niêm mạc, mạch máu dạ dày và đường ruột, khiến chúng co lại theo phản xạ tự nhiên, không lợi cho sự hấp thu nước trong dạ dày vào máu.

Một sự thật không phải ai cũng biết, đó là cho con uống nước ấm thậm chí còn giải khát tốt hơn nhiều lần nước đá.

 

Theo Anh Minh (TH) (Khampha)