Đó là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trong buổi khai mạc tọa đàm sự kiện quốc gia với chủ đề "Quyền được giáo dục năm 2000 - 2030, hãy bỏ phiếu cho giáo dục"
Hưởng ứng Tuần lễ Toàn cầu Hành động vì giáo dục với thông điệp "Giáo dục cho mọi người", sang ngày 28/5, Bộ GD & ĐT đã cùng với Liên minh chiến dịch toàn cầu hành động vì giáo dục ở Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Quyền được giáo dục năm 2000 - 2030, hãy bỏ phiếu cho giáo dục" tại bảo tang Hồ Chí Minh.
Tại buổi lễ, các đại biểu đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như các khách mời quốc tế đã tổng kết những kết quả ngành giáo dục đã đạt được trong giai đoạn 2003 - 2015 cũng như vạch ra các phương hướng của ngành trong những năm tiếp theo.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết bằng việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người giai đoạn 2003 - 2015, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.
Thứ trưởng cũng biểu dương những thành tựu mà ngành giáo dục Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, tiêu biểu là phát triển rộng khắp các mạng lưới cơ sở giáo dục trên toàn quốc, bước đầu triển khai xây dựng xã hội học tập, xóa được tình trạng xã "trắng" về giáo dục mầm non, các trường tiểu học có ở tất cả các xã, phường, hầu hết các xã đã có trường THCS. Thứ trưởng cũng cho biết Việt Nam đang phấn đầu sớm hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi.
Thứ trưởng nhấn mạnh sự cải thiện về công bằng xã hội trong việc tiếp cận giáo dục của con em đồng bào dân tộc thiểu số, các gia đình nghèo, trẻ em gái và các đối tượng thiệt thòi. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh từ 15% năm 2001 đến nay đã lên tới 20% trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Để thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục, Thứ trưởng chỉ đạo cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế, xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: "Giáo dục là một quyền cơ bản của con người và là điều kiện tiên quyết để thực hiện các quyền khác của con người". (Ảnh: Việt Dũng).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: "Giáo dục là một quyền cơ bản của con người và là điều kiện tiên quyết để thực hiện các quyền khác của con người". Mục tiêu của ngành giáo dục là nỗ lực để tất cả mọi người trong xã hội được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng, thân thiện và bình đẳng. Để đạt được điều này cần sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Điểm lại quá trình 12 năm từ 2003 - 2015, ông Bùi Hồng Quang - Phó trưởng Ban điều phối quốc gia giáo dục cho mọi người chỉ ra một số kết quả nổi bật như năm học 2013 - 2014, tỷ lệ nhập học mẫu giáo 5 tuổi lên tới 98,89%.
Chính sách tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên mầm non đã được cải thiện và đảm bảo ưu tiên cho các vùng khó khăn. Tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục mầm non tăng mạnh lên chiếm 14,43% tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2012, gấp đôi năm 2000 (6,9%).
Ông cũng nhấn mạnh tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số luôn lớn hơn tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên dân số cả nước. Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả khả quan trong việc tạo cơ hội cho các trẻ em khuyết tật đến trường.
Giáo dục kỹ năng sống được quan tâm với việc đưa nhiều môn vào chương trình chính khóa như kỹ năng giao tiếp, giáo dục sử dụng năng lượng, khởi tạo doanh nghiệp, giáo dục bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các môn Giáo Dục Công Dân, giáo dục thể chất được coi trọng giúp học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mĩ. Giáo dục kỹ năng sống, lao động cho thanh niên cũng được chú trọng để những thanh niên không có điều kiện theo học đại học có thể nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Ông Bùi Hồng Quang cũng cho biết chất lượng giáo dục đã được nâng cao với tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn năm học 2013 - 2014 ở các cấp mầm non, tiểu học và THCS lần lượt là: 96,81%, 99,64% và 99,31%. Tỷ lệ học sinh/ giáo viên cũng đã giảm đáng kể ở cả 3 cấp học.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Katherine Muller-Marin, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là đảm bảo các giáo viên đứng lớp đạt chuẩn của quốc gia, đó là những kinh nghiệm tốt Việt Nam có thể chia sẻ với thế giới, là điều mà rất nhiều nước khác không làm được. Dù vậy, bà cũng cho biết Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt và cần nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục.
Theo Giáo Dục