Thống kê của Viện Dinh Dưỡng cho thấy, ở Việt Nam tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 25,9%. Như vậy, cứ 4 trẻ, có hơn 1 trẻ (25,9%) bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Ở Việt Nam cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi, có hơn 1 trẻ (25,9%) bị suy dinh dưỡng thấp còi. Ảnh internet
Kết quả điều tra dinh dưỡng quốc gia cũng cho thấy, 9,1% trẻ em bị thiếu máu, 12,9% có tình trạng thiếu sắt và 51,9% thiếu kẽm. Tỷ lệ thiếu năng lượng diễn ra ở bà mẹ có con dưới 5 tuổi có giảm nhưng vẫn ở mức cao (15,1%).
Theo bà Lê Bạch Mai- Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng- Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với "nạn đói tiềm ẩn". Nạn đói này là thiếu vi chất dinh dưỡng, vitamin, sắt, i-ốt và kẽm. Nếu thiếu những vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Bà Mai cho biết, suy dinh dưỡng thấp còi còn được gọi là suy dinh dưỡng mãn tính, gây hệ lụy lớn với thể lực, tầm vóc, sự dẻo dai và phát triển trí tuệ của trẻ sau này, thậm chí kéo dài qua nhiều thế hệ. "Người mẹ thấp bé, nhẹ cân đối diện với nguy cơ đẻ ra con suy dinh dưỡng thấp còi. Trẻ thấp còi phát triển khó đuổi kịp các bạn bình thường cùng tuổi. Nếu 3 tuổi trẻ phát triển tốt, đạt 94,5 cm thì chiều cao khi 18 tuổi là 170 cm, nhưng nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thì con số này chỉ đạt 158 cm", bà Mai cảnh báo.
Theo đó, tăng cường vi chất dinh dưỡng cho các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, bà Mai cũng lo ngại hiện việc thanh toán nạn đói các vi chất dinh dưỡng là một thách thức về xã hội hơn là kỹ thuật đơn thuần và việc tăng cường vi chất dinh dưỡng bắt buộc vào thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là cần thiết, hiện đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, áp dụng để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.
Theo Báo Hà Nội Mới