7 kĩ năng bố mẹ nên dạy con để tránh bị bắt cóc TS Nguyễn Trang Nhung mách phụ huynh những lời khuyên giúp bảo vệ con khỏi kẻ xấu khi ra đường. Thời gian gần đây, liên tiếp có những thông tin về các vụ bắt cóc trẻ em, đặc biệt là trẻ mẫu giáo. Điều này khiến không ít bậc phụ huynh có con trong độ tuổi từ 1-6 hoang mang, lo lắng. Bố mẹ nên dạy con những kĩ năng gì hàng ngày để trẻ có thể đối phó và biết cách tự bảo vệ mình kẻ xấu? Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung - Giảng viên kỹ năng sống Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý Tưởng Việt cho biết, không chỉ khi xuất hiện những thông tin liên quan đến việc trẻ bị bắt cóc mà ngay cả trong những lúc yên bình nhất, phụ huynh vẫn nên trang bị cho trẻ kỹ năng nhận diện và ứng phó trước những tình huống bất ngờ, nguy hiểm. Đây là điều cần thiết để trẻ có thể biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân khi không có người lớn kề. Về việc trang bị kỹ năng cho con trẻ, trước tiên chính bản thân quý phụ huynh không nên quá kỳ vọng rằng trẻ có thể nhớ và thực hành tốt mọi điều mình dạy, mình nhắc bởi trẻ con vẫn mãi là trẻ con, thấy quà bánh, đồ chơi hoặc những lời dụ dỗ ngon ngọt thì bao nhiêu kỹ năng phòng vệ cũng đều bị lãng quên hết. Song song đó, những kỹ năng, kiến thức này cần được củng cố hàng ngày, hàng năm để trể nhớ và thuộc nằm lòng cũng như biến nó thành hành vi ứng xử của mình. Theo đó, các mẹ nên dạy con những kỹ năng sau: - Thứ nhất: Hãy dạy trẻ nói "không" với quà bánh, truyện tranh, tiền bạc, lời rủ đi công viên, trung tâm vui chơi,.. của người lạ. "Người lạ" nên được giải thích cụ thể với trẻ là những người trẻ chưa từng gặp cùng bố mẹ trước đó, là những người không được bố mẹ giới thiệu với trẻ, là những người có thể tự xưng là bạn của bố mẹ khi không có mặt bố mẹ,.. - Thứ hai: Hãy dạy trẻ có thói quen chia sẻ những câu chuyện mà trẻ gặp thường ngày, từ đó phân tích cho trẻ biết đâu là câu chuyện an toàn, tốt cho trẻ, đâu là những tình huống có thể khiến trẻ bị đau, gặp nguy hiểm,... - Thứ ba: Hãy cùng trẻ xem những phóng sự, clip mô phỏng các tình huống thiếu an toàn với trẻ khi không ở gần bố mẹ, khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của trẻ để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ trong những tình huống tương tự nếu gặp phải. - Thứ tư: Hãy "giới hạn những người tin cậy" cho trẻ biết, đó chính là: Cha mẹ, ông bà, thấy cô, anh chị trong gia đình. Hãy hướng dẫn trẻ là ngoài những người này ra, nếu có bất kỳ ai khác đề nghị chở trẻ đi đâu, làm gì (mở cửa nhà,..) thì hãy nói "không", bỏ chạy và tìm đến những người tin cậy để nói lại việc vừa xảy ra. Bố mẹ nên chuẩn bị cho con những kĩ năng trước khi ra đường hoặc đến trường - Thứ năm: Để không bối rối trong trường hợp trẻ bị lạc, hãy dạy cho trẻ học thuộc lòng số điện thoại của cha mẹ, anh chị, ông bà để khi bị lạc thì biết cách cung cấp cho những người muốn giúp đỡ. - Thứ sáu: Hãy dạy trẻ tìm đến những nơi có thể giúp đỡ như: quầy thông báo tại siêu thị; đồn công an... mỗi khi đi siêu thị hoặc đi ngang qua những nơi giúp trẻ có thể nhận diện đó là đồn công an. - Thứ bảy: Nếu đến chỗ đông người, tốt nhất người lớn luôn theo sát trẻ, tránh lơ là vì trẻ con vốn dễ bị thu hút bởi những yếu tố khác, dễ bị tuột khỏi tầm tay cha mẹ. Rất nhiều trường hợp cha mẹ lạc con là do cha mẹ mải mê mua sắm, trò chuyện. Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình cực kỳ quan trọng nên bố mẹ phải thực hiện luôn từ khi trẻ con nhỏ, chứ không phải thụ động đến khi mọi sự xảy ra rồi mới lo lắng cuống cuồng. Cha mẹ nên sát sao con hơn, dành thời gian hàng ngày để cùng con trang bị những kĩ năng cần thiết khi ra ngoài đường, tránh những trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo Tuệ Linh (Khám Phá)
|