Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những ngôi trường mới ở vùng sâu


Ngân Thủy là một xã miền biên giới ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Với địa hình đồi núi tỉ lệ hộ nghèo ở đây lên đến 60% và cả xã chỉ có một trường mầm non. Vì thiếu lớp học nên gần 50 em ở bản Cửa Mẹc trong độ tuổi không được đến trường.


Để học được con chữ, các em phải ra ở trọ nhà người quen cách đó hàng chục cây số đường rừng. Các em nhỏ ở độ tuổi mầm non thì không thể theo chân anh chị băng rừng, lội suối như vậy.


Chuyện trẻ em đi học gian khổ như ở bản Cửa Mẹc không phải là hiếm. Theo thống kê, những khu vực vùng sâu, vùng xa số lượng các phòng học tạm bợ, nhờ, mượn còn chiếm đến 40% (ngay tại những điểm có trường lớp).


Trẻ em vui chơi tại một ngôi trường 

Một kết quả giám sát của Ủy ban Giáo dục thanh thiếu niên của Quốc hội mới công bố cho biết tỷ lệ phòng học kiên cố của giáo dục mầm non trên cả nước chỉ đạt trên 60%, còn gần 40% là bán kiên cố. Hầu hết những trường có phòng học tạm đều là những ngôi trường "4 không": không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không sân chơi.


Có không ít địa phương mà các em bé ở độ tuổi 3 - 5 phải học trong những lớp học tường nứt, ẩm mốc, mượn của nhà dân hay các phòng học tranh tre cũ nát, bàn ghế tạm bợ...


Người dân vùng sâu, vùng xa rất mong muốn cho con đi học để có thể đổi đời mai này. Tuy nhiên, không dễ gì để có trường mới trong khi ngân sách địa phương và tiền bạc của cư dân vùng sâu, vùng xa đều có hạn.


"Chúng tôi đã được nghe nói về những ngôi trường như thế từ nhân viên và tư vấn viên của Prudential. Prudential sẵn sàng tham gia vào chương trình "Cùng xây tương lai" để giúp các bậc phụ huynh cho con đi học", ông Wilf Blackburn, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam nói.


Để có thể xây 10 ngôi trường mới cho trẻ em trong năm 2014, Prudential Việt Nam đã tài trợ 599.850 USD. Tuy nhiên, tiền bạc chỉ là một phần thành công của dự án "Cùng xây tương lai".


Thành công lớn hơn theo ông Wilf Blackburn chính là việc Prudential đã tạo ra một mô hình mới, khi doanh nghiệp cùng cư dân địa phương cùng nhau xây trường. Tùy từng nơi, cư dân địa phương có thể đóng góp công sức, đất đai, có ý kiến và thậm chí cùng giám sát chất lượng trường mới.


Cứ thế, chỉ trong vòng một năm, 10 ngôi trường lần lượt mọc lên và được đưa vào sử dụng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa của 6 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang.


Theo Giadinh.net