Sai lầm trong tích tắc của bố mẹ giết chết con mình Vụ ‘bé tử vong uống nước trong lọ đựng tăm' cho thấy không thiếu trường hợp sự chủ quan của cha mẹ vô tình giết chết con mình. Sau những tai nạn thương tâm của con cái xảy ra bởi phút bất cẩn của cha mẹ, bao giờ cũng là nỗi đau của người thân, họ hàng, nỗi thương xót của cộng đồng và nỗi ám ảnh, day dứt không nguôi của chính những bậc làm cha làm mẹ. Chỉ vì chủ quan, vô ý làm chết người, lại là chính con đẻ của mình, điều ấy càng khiến những tai nạn này trở thành bi kịch. Vụ em bé 17 tháng tuổi tử vong do uống nước trong lọ đựng tăm một lần nữa chứng tỏ, ngay cả trong gia đình, nơi vốn tưởng an toàn cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường. Những vụ tai nạn dưới đây một lần nữa nhắc nhở các bậc phụ huynh, cần bằng kinh nghiệm sống của mình, nâng cao cảnh giác, cẩn trọng và đảm bảo an toàn tối đa khi có trẻ nhỏ. Mất mạng vì lọ tăm Ngày 9/5, tại Nghệ An đã xảy ra một vụ ngộ độc, khiến 1 trẻ nhỏ tử vong. Nguyên nhân tai nạn được cho là ngộ độc thủy ngân có trong lọ đựng tăm. Bệnh nhi là cháu Lê Văn Huy (17 tháng tuổi) khi ở nhà cùng với bố, cháu Huy thấy khát nước nên đã tự đi tìm để uống. Lúc này thấy một ít nước trong cốc nên cháu Huy lấy để uống. Loại nước mà cháu Huy uống là dung dịch thủy ngân chảy ra từ hộp đựng tăm bị vỡ trước đó. Sau khi uống loại dung dịch này được ít phút, cháu Huy có biểu hiện bị ngộ độc rồi hôn mê. Mặc dù đã được gia đình đưa đến bệnh viên cấp cứu tại bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, sau đó tiếp tục được chuyển ra Hà Nội để điều trị, nhưng do bị nhiễm độc quá nặng cháu Huy đã tử vong. Ban đầu, nhiều thông tin cho rằng cháu Huy tử vong do uống phải thuỷ ngân. Tuy nhiên sau đó, nhiều chuyên gia, bác sỹ đã cho biết, nhận định này có thể không đúng bởi thủy ngân là chất dễ bay hơi và chi phí khá đắt đỏ, bởi vậy với việc sản xuất một hộp đựng tăm dù là hình hộp có màu trang trí thì họ cũng sẽ không dùng thủy ngân vì tốn kém. Đó có thể chỉ là chất hóa học tạo màu dùng trang trí. Tuy nhiên, những chất này cũng độc không kém so với thủy ngân, thường có mùi vị rất hắc và sộc, bởi vậy khi trẻ uống phải sẽ gây co thắt thanh môn, khí quản. Đặc biệt khi hít vào cũng sẽ gây ngộ độc, có thể tử vong ngay tại chỗ Tử vong do uống nhầm dầu hôi Ngày 21/4 vừa qua, bệnh nhi tên N.V.A (11 tháng tuổi) đã phải nhập viện Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Tuy đã được nhanh chóng cấp cứu nhưng em bé vẫn tử vong. Được biết người nhà bệnh nhi đã đựng dầu hôi trong vỏ chai nước ngọt nên bé đã uống nhầm. Người nhà đã dùng tay móc họng để dầu hôi ra ngoài nhưng bé đã ngưng thở trước khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Về trường hợp này, BS. Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: "Đa số phụ huynh khi thấy trẻ nhỏ uống nhầm chất gì đó thường móc họng cho ói ra. Điều này sẽ làm tình trạng của trẻ nặng hơn thậm chí gây tử vong. Nồi canh 200 lít của mẹ "lấy mạng" bé gái Đó là trường hợp đáng thương của bé Nguyễn Khánh Huyền (6 tuổi, ở xóm 10, xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An). Bé Khánh Huyền bị bỏng sâu đến hơn 65%, hiện tại vẫn đang hôn mê bất tỉnh tại Khoa hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc Gia. Chia sẻ về thời điểm kinh hoàng gieo họa vào con gái mình, chị Nguyễn Thị Khang (39 tuổi, mẹ bé Huyền) cho biết: Sáng ngày 25/3 vừa qua, nhà có giỗ nên gia đình nấu một nồi canh lớn khoảng 200 lít rồi đặt ở phía góc nhà. Trong lúc bé Khánh Huyền bế bé trai Nguyễn Quốc Phong (15 tháng tuổi) thì bé Phong giãy giụa khiến Khánh Huyền trượt chân rồi cả 2 chị em ngã vào nồi canh. Nghe tiếng la hét thất thanh, mọi người vội chạy ra thì chứng kiến hai tay bé Khánh Huyền đang bế em, cả người chìm trong nồi canh, chỉ còn mỗi phần đầu nhô lên. Bé Phong được bế vội ra ngoài nên vẫn còn may là chỉ bị bỏng từ đùi xuống chân, còn Khánh Huyền bị bỏng toàn thân. Trong đêm 8/4/2015, do vết thương quá nặng, bé Khánh Huyền đã không qua khỏi. Tai nạn kinh hoàng từ chiếc diều cuốn Vụ việc đau lòng này xảy ra vào khoảng 16 giờ ngày 15.3, tại khu vực Đồng Diều thuộc thị trấn Hóc Môn, H.Hóc Môn, TP.HCM. Được biết, vào chiều ngày 15/3 chị Văn Thị Thanh Thúy (27 tuổi) đưa con trai là cháu Văn Minh Đạt (SN 4/6/2010) cùng gia đình đến khu vực Đồng Diều huyện Hóc Môn (TP HCM) bán nước cho những người đến đây vui chơi. Tại thời điểm đó, xuất hiện một con diều khổng lồ màu đỏ của nhóm câu lạc bộ diều Sài Gòn nhiều lần vờn xung quanh khu vực chị bán nước, vài lần nó xô ngã bàn ghế của gia đình. Mặc dù đã dặn Đạt chú ý cảnh giác nhưng trong lúc thu dọn chai lọ, dựng lại bàn ghế và những đồ uống bị đổ, thì bất ngờ chiếc diều căng gió lướt lên trời cuốn theo bé Đạt ngay trước mắt khiến chị Thúy bàng hoàng, hoảng loạn. Chị Thúy cố gắng chạy theo, đưa tay đỡ con nhưng bất thành, bé Đạt bị con diều khổng lồ cuốn lên cao và rơi xuống đất ít phút sau đó. Bé đã tử vong do cú va đập quá mạnh. Việc chiếc diều khổng lồ gây ra cái chết cho cháu Đạt vẫn khiến nhiều người không khỏi đau xót khi nhớ lại. Ban công chết người Vào hồi tháng 11/2012, tại chung cư Phú Mỹ Thuận (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM), bé L.A (4 tuổi) bị rơi xuống từ cửa sổ tầng 15 của căn hộ. Nguyên nhân được xác định là do khi đang ngồi nghịch iPad trên ghế sofa sát cửa sổ, thấy iPad bị văng ra ngoài nên bé theo phản xạ đã nhoài người ra chụp lại rồi bị rơi xuống. Thời điểm đó, bà ngoại của bé bế em của L.A qua nhà hàng xóm, chỉ khoảng 5 phút về thì không thấy cháu đâu. Tìm khắp nơi, bà phát hiện cửa sổ phòng khách mở tung, chiếc iPad để trên bàn cũng biến mất. Nhìn qua cửa sổ xuống dưới đất, bà mới thấy cháu nằm bất động dưới đất. Tử vong vì nồi cơm điện Người nhà bé trai cho biết, trưa 4/6, mẹ bé vo gạo nấu cơm, khi quay vào bếp, nơi nồi cơm đang cắm điện được đặt trên một kệ sắt thì thấy con đang nằm bất động. Vừa chạm vào con, người mẹ cảm nhận được dòng điện nên vội ngắt cầu dao và đưa bé đi bệnh viện. Tại Bệnh viện 175 (TP HCM), bệnh nhi 18 tháng tuổi nhà ở quận Gò Vấp được xác định ngưng tim ngưng thở, giãn đồng tử. Chưa xác định rõ nguyên nhân khiến bé bị điện giật, người nhà cho rằng có khả năng bé cho tay vào nồi cơm đang có điện, hoặc dây dẫn điện của nồi cơm bị rò rỉ khiến dòng điện truyền ra ngoài kệ sắt mà nồi cơm được đặt lên. "Dù nguyên nhân nào thì việc kê các vật dụng có sử dụng điện trong tầm tiếp xúc của trẻ cũng là điều không nên", một bác sĩ nói.
Theo H.My (tổng hợp) (Khám phá)
|