Các điểm trường mầm non (TMN) đều xuống cấp, thiếu phòng học, phải ghép chung địa điểm với nhà văn hóa thôn... đang là thực trạng tồn tại nhiều năm nay tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. Có được điểm TMN đạt chuẩn, đủ năng lực chiêu sinh đang là mong mỏi của cả cán bộ lẫn người dân nơi đây.
Điểm trường nào cũng quá tải
Đến điểm TMN khu Đồng Bụt vào khoảng hơn 9 giờ sáng, dưới cái nắng gay gắt đầu hè, cô và trò vẫn say sưa với bài học mới. Bên ngoài hiên lớp học, từng giọt nước thấm qua kẽ nứt của tường rơi tí tách xuống sàn. Nhiều mảng tường bị nứt chằng chịt, thấm nước mốc xanh. Cô Nguyễn Thị Chí - giáo viên (GV) phụ trách điểm TMN khu Đồng Bụt chia sẻ, điểm trường được xây dựng hơn 10 năm nay, nhiều phòng học đã bị xuống cấp. Mỗi khi bơm nước lên bồn chứa là nước lại thấm rỏ xuống sàn, chưa kể những hôm trời mưa nước rỉ xuống sàn lênh láng. "Hàng ngày, GV phải lau sàn thường xuyên vì sợ các con trượt chân ngã" - cô Chí giãi bày. Chưa hết, điểm trường chỉ có 4 phòng học đang tiếp nhận 172 trẻ từ 1,5 - 5 tuổi. Với số lượng phòng học ít ỏi này, mỗi lớp phải tiếp nhận trên 40 học sinh, trong khi theo đúng tiêu chuẩn bậc mầm non, mỗi lớp học chỉ 25 học sinh. Đồng Bụt là thôn có mật độ dân đông nhất xã với trên 3.000 người, số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo hiện có 280 cháu, song điểm trường chỉ tiếp nhận được 172 cháu, còn lại gia đình phải đưa đi nơi khác hoặc để ở nhà.
Lớp học tại điểm trường Mầm non thôn Đồng Bụt luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Quang Thiện
Không riêng gì Đồng Bụt, cả 3 điểm TMN còn lại là Ngọc Phúc, Ngọc Bài và Liệp Mai cũng trong tình trạng tương tự. Thậm chí, có những điểm trường như Liệp Mai phải tiếp nhận tới trên 50 học sinh/lớp. Theo ông Phùng Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Liệp, các điểm TMN trên địa bàn đều được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, không còn đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đặc biệt, chưa có điểm trường nào đủ tiêu chuẩn về diện tích theo quy định của Bộ GD&ĐT. Một số điểm trường phải sinh hoạt chung với hội trường, nhà văn hóa thôn, ảnh hưởng đến việc dạy và học.
Khó khăn về nguồn vốn
Không chỉ chưa đáp ứng nhu cầu tại chỗ, hiện nay, xã Ngọc Liệp có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ làm tại khu công nghiệp Ngọc Liệp đến ở trọ, kéo theo nhu cầu gửi trẻ cũng tăng lên. Thời điểm này, hầu hết GV tại các điểm TMN trên địa bàn xã Ngọc Liệp đều đứng ngồi không yên vì sắp bước vào mùa chiêu sinh mới, đồng nghĩa với số lượng trẻ tăng mà phòng học vẫn chưa có thêm. Cô Chí tâm sự, nhiều phụ huynh không hiểu tình hình đã gây áp lực cho GV.
Thực tế, cơ sở vật chất trường học cũng là một trong những tiêu chí chưa đạt trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã Ngọc Liệp. Ông Đỗ Lai Luật - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Liệp cho biết, đề án xây dựng các TMN đã được phê duyệt. Trong đó năm 2015 xã tiến hành xây mới 2 TMN thôn Đồng Bụt diện tích gần 1.700m2 và thôn Liệp Mai diện tích 1.200m2 với tổng kinh phí 14,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho tới nay, xã chưa có kinh phí để triển khai xây dựng. Theo ông Luật, xã không trông chờ vào cấp trên, cũng chủ động huy động nguồn lực tại chỗ từ nguồn đấu giá đất với diện tích được quy hoạch khoảng 2,7ha tại 4 thôn, song đến nay, việc đấu giá tại các điểm thôn đều gặp khó khăn.
Trước tình hình thực tế tại địa phương, lãnh đạo xã Ngọc Liệp kiến nghị huyện, TP hỗ trợ kinh phí xây dựng các điểm TMN, đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn. Đồng thời, kiến nghị TP chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho xã tiến hành đấu giá để có nguồn lực xây dựng hạ tầng cơ sở, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo GD&TĐ