Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹo xử lý những “tai nạn kinh điển” khi làm cha mẹ


Những mẹo nhỏ chia sẻ trong bài viết dưới đây có thể sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn để giải quyết các sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi làm cha mẹ.

Khi làm cha mẹ, có những tình huống dù chuẩn bị kĩ càng đến đâu thì bạn vẫn sẽ bối rối nếu nó thực sự xảy ra. Dưới đây là một số tình huống như vậy và cách xử lý.

Bé bị mắc kẹt

Tình huống mắc kẹt cổ điển nhất thường xảy ra là đầu trẻ bị mắc kẹt vào lan can cửa sổ, cầu thang... Ngoài ra, trẻ còn có thể tự đút tay, chân, bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân vào tất cả mọi thứ như ống, lỗ tròn, khe hẹp... và không thể tự rút ra được.

Bạn nên làm gì: Hãy bình tĩnh để và hướng dẫn con một cách cẩn thận để thoát khỏi tình thế đó. Nếu đầu trẻ bị mắc ở lan can, song cửa sổ... thì tai của bé thường là "chìa khóa" của vấn đề. Vì thế, hãy thử ấn tai của bé ép sát về phía trước trong khi giúp bé từ từ di chuyển đầu ra khỏi khe hở.

Ngoài ra, một túi nước đá có thể tạo được phép lạ trên ngón tay và ngón chân bị mắc kẹt của con vì hơi lạnh sẽ giúp chúng co lại một chút để bạn có thể rút tay hoặc chân của con một cách dễ hơn. Nếu bạn không thể nhẹ nhàng đưa con ra, hãy tìm một chất bôi trơn như dầu thực vật, dầu gội đầu, xà phòng - để bôi trơn bộ phận bị mắc kẹt.

Nhưng nếu mọi nỗ lực trên của bạn vẫn thất bại hoặc con bạn bị đau hay gặp nguy hiểm, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Đồ chơi con yêu nhất bị "mất tích"

Không có gì có thể phá hỏng giờ đi ngủ nhanh hơn việc trẻ nhận ra một con thú bông yêu quý của mình biến mất. Có vẻ như biện pháp đề phòng khả thi nhất là bạn hãy luôn có một món đồ y hệt với món đồ chơi mà con yêu thích nhất để dự phòng cho những trường hợp này. Nhưng chỉ mua dự phòng là chưa đủ, bạn phải nhớ thường xuyên trao đổi chúng để duy trì sự giống nhau về độ mới - cũ, thậm chí cả mùi hương của hai món đồ. Nếu không đứa trẻ "ma mãnh" của bạn sẽ nhận ra sự khác biệt trước khi bạn giả bộ nói: "Hãy nhìn xem, mẹ thấy nó rồi này."

Bạn nên làm gì: Hãy thật bình tĩnh khi con bạn gào lên khóc vì phát hiện ra con thú bông yêu thích không còn ở trên giường, sau đó, giả bộ đi tìm kiếm và may mắn là bạn tìm thấy nó trong ngăn tủ đã khóa kín (theo gợi ý "vật thay thế" ở trên).

Nếu bạn không có một món đồ giống y hệt để thay thế thì có thể tìm kế hoãn binh bằng cách tìm một món đồ khác cho con và nói: "Bạn gấu của con nhớ nhà quà nên đã đi thăm mẹ bạn ấy rồi, một vài hôm nữa bạn ấy sẽ về với chúng ta thôi".... Cách này cũng có thể áp dụng nếu cả nhà đi du lịch và bạn cũng để quên món đồ chơi yêu thích của con ở nhà. Hãy tìm cho bé một món đồ mới và giải thích với bé bằng những lý do "mùi mẫn" như vậy, nếu may mắn, con bạn sẽ mủi lòng với câu chuyện của bạn và sẵn sàng chào đón người bạn mới.

Khi con chuẩn bị nôn trớ

Trẻ chập chững tập đi sẽ dần tập làm quen với các đồ ăn rắn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc có thể bé sẽ hay bị nôn trớ hơn; hoặc khi bé bị ốm, chắc chắn một ngày bạn sẽ phải dọn dẹp bãi chiến trường của bé không chỉ một lần. Vì thế, hãy luôn sẵn sàng cho việc này bất cứ lúc nào.

Bạn nên làm gì: Khi con bạn bị ốm và bạn dự đoán con sắp nôn trớ, tốt nhất nên khoác cho con bộ quần áo có thể nhanh chóng cởi ra, tốt nhất là mặc áo mở ngực có dây buộc và không nên chọn áo chui đầu. Nếu con nằm trên giường, hãy nhớ lót miếng lót chống thấm và tốt nhất là trải thêm những lớp ga phụ để có thể ngay lập tức kéo lớp ga bẩn ra khi con nôn trớ.

Hãy nhớ rằng bồn tắm là bạn thân của bạn. Nếu bé buồn nôn, nhanh chóng cho bé vào bồn tắm khô nhằm giảm thiểu việc vấy bẩn ra thảm và đồ nội thất. Bạn có thể bật một vòi nước ấm để rửa lại nhanh chóng và để lại tất cả quần áo bẩn ở đáy bồn.

Việc nôn trớ có thể làm những đứa trẻ thấy sợ, vì vậy quan trọng là bạn phải xử lý và thao tác thật bình tĩnh. Điều này sẽ giúp bạn yên tâm, cũng như an ủi được con. Hát một bài hát yêu thích cũng sẽ giúp mọi người cảm thấy thư giãn hơn một chút.

Theo Ngọc Dung / Trí Thức Trẻ