Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những chuyện thú vị chỉ có ở mầm non Nhật Bản


Tới mùa hoa anh đào này, em bé 2 tuổi của tôi đã đi học mầm non ở Nhật được tròn 1 năm. Một năm đã đi qua, ngày nào với bé cũng là những ngày vui, bé luôn tự giác tới trường mà không khóc lóc mè nheo bám mẹ.


Hơn 2 tuổi một chút, bé đã có thể làm nhiều việc nho nhỏ mà tôi phải xấu hổ thừa nhận rằng nếu không có trường mẫu giáo, có lẽ việc luyện cho bé những thói quen đó của tôi đã không thành công đến thế.


Chờ đợi hàng năm để được đi học mầm non
Khi bé tròn một tuổi, vì bận rộn với nhiều việc riêng nên tôi quyết định cho con đi học mầm non, mà tới bây giờ tôi tự cho rằng đó là quyết định sáng suốt nhất của mình. Bản thân tôi cũng kỳ vọng việc gửi trẻ sẽ giúp con mình có thêm bạn bè và được dạy thêm những kỹ năng mới thay vì chỉ ở nhà với mẹ.


Ngày nay để khuyến khích người phụ nữ kết hôn và sinh nở, xã hội Nhật đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn để tạo điều kiện cho người phụ nữ có thể đi làm trở lại sau khi sinh con.


Thay vì phải đợi tới khi con 3 tuổi để gửi trẻ, chỉ cần chứng minh rằng mẹ đi học hay đi làm thì nhiều trường mầm non ở Nhật sẽ nhận trông trẻ giúp mẹ từ 6 tháng tuổi trở đi.


Tuy nhiên, để được gửi con, các bậc cha mẹ sẽ phải xếp hàng đợi tới khi con mình được xếp chỗ, đôi khi ở những thành phố lớn như Tokyo, cha mẹ có thể phải đợi từ 1 năm tới 1 năm rưỡi mới có thể gửi con đi học. Thế mới có chuyện đùa vui rằng bé ở Nhật được nhận vào trường công cha mẹ còn vui hơn đỗ đại học.


Một số mẹ chưa thể đi làm ngay có thể tham gia chương trình gửi bé mỗi tháng vài buổi để mẹ được thư giãn, hoặc cho bé tới chơi cùng các bạn ở trường mầm non để em bé có tiếp xúc với bạn bè và học cách cùng chơi.


Để em bé không bị sốc những ngày đầu "đi bộ đội", chúng tôi được nhà trường hướng dẫn cách cho bé làm quen với lớp bằng việc đưa bé tới trường ngày đầu 1 tiếng, sau đó tăng dần lên 2, 3 tiếng... rồi kéo dài cả ngày.


Chỉ sau 1-2 tuần như vậy, em bé của tôi đã quen với việc vắng mẹ và bị cuốn vào các hoạt động ở lớp, bé chơi ngoan và tươi tỉnh bai bai khi chia tay mẹ. Hầu như không có nước mắt và mẹ cũng không quá lo lắng khi con còn bỡ ngỡ tới trường.


Chuẩn bị cho con đi học mầm non vô cùng tỉ mỉ

Để đưa một em bé ở Nhật đi học mầm non, người mẹ cũng phải trải qua kha khá sự chuẩn bị, và bắt đầu phải làm quen dần với triết lý giáo dục tỉ mỉ ở đây. Mỗi ngày, mẹ phải chuẩn bị cho bé 5 chiếc bỉm (đối với những bé chưa cai bỉm), tạp dề và nhiều khăn gaze (khăn xô) cho bé dùng trong ngày, quần áo thay dự phòng, tất cả đều phải ghi tên của bé. Chăn và vỏ nệm riêng cho em bé cũng sẽ được mang tới dùng trong tuần và mang về vào mỗi cuối tuần để giặt và phơi sạch.


Nhà trường cũng căn cứ vào giai đoạn phát triển tự nhiên của trẻ để yêu cầu phụ huynh chuẩn bị cho trẻ học các kỹ năng mới: Khi các bé được 2 tuổi, chúng tôi phải chuẩn bị cho các bé bàn chải đánh răng tới lớp để tập đánh răng sau mỗi bữa ăn. Cha mẹ cũng phải chuẩn bị việc cai bỉm dần cho trẻ bằng cách phối hợp dạy trẻ đi vệ sinh và ngồi bô.


Giai đoạn này tôi cũng phải mua quần áo pijama mà phần áo có cài cúc để bé tập mặc quần áo. Lũ trẻ được yêu cầu không đeo bất cứ thứ trang sức nào để đảm bảo sự an toàn nhất có thể và được khuyến khích mặc quần áo mềm dễ cử động.


Bản đồ nhà trường ở cửa ra vào có chú thích quãng đường tản bộ mỗi ngày và ghi chú các khu vực cần chú ý nguy hiểm.


Bù lại, chúng tôi cũng nhận được sự chu đáo hết mực của nhà trường. Mỗi tháng, chúng tôi đều được phát những tờ khóa biểu thông báo chi tiết lịch hoạt động trong tuần, trong tháng của các bé, thời khóa biểu giờ chơi và thực đơn món ăn trong ngày. Mỗi ngày, hoạt động của bé cũng được các cô mô tả tỉ mỉ trong sổ liên lạc. Điều tôi thích là cô giáo ít nhận xét về cá tính của trẻ, trẻ ăn ít hay nhiều, những thứ khiến cha mẹ thường hay lo ngại tiêu cực, mà cô tập trung miêu tả những mặt tích cực của bé.


Đến giờ, việc đọc sổ liên lạc của con là niềm vui nho nhỏ của gia đình tôi vào mỗi bữa cơm, đơn giản chỉ là khi biết được hôm nay đi chơi, bé nhà mình nhìn thấy con chó đã bắt chước tiếng chó kêu oăng oăng và cười vui như thế nào, hay bé đã kêu lên thích thú khi nhìn thấy máy bay khi đi dạo ra sao.


Triết lý giáo dục nhân văn và tuyệt vời
Ngay ở cửa ra vào của nhà trẻ, mỗi ngày, chúng tôi đều được nhìn một bữa ăn trong ngày của bé được bày biện trong hộp mica sạch sẽ. Trường mầm non ở Nhật rất quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng, trong mỗi cuộc họp phụ huynh tập thể hàng năm, chúng tôi đều được nghe chuyên gia dinh dưỡng tới nói chuyện và được ăn thử khẩu phần của các bé, trong đó hầu như có rất nhiều cá, các loại tảo biển tốt cho sức khỏe và hầu như không có đồ chiên rán.


Nếu cha mẹ có kiến nghị gì đặc biệt, họ có thể ghi ra giấy gửi nhà trường hoặc điền trực tiếp vào các phiếu điều tra. Nhà trường còn cẩn thận phát thêm các tờ rơi hướng dẫn công thức nấu các món mà trẻ em thích để cha mẹ có thể thực hành.


Cách thức người Nhật thể hiện sự tỉ mỉ trong việc giáo dục và liên lạc với phụ huynh khiến chúng tôi thấy cảm động. Để ra vào nhà trẻ, chúng tôi phải qua ba cửa ra vào, trong đó có một cửa soát thẻ từ mà chỉ phụ huynh học sinh mới được cấp thẻ để đảm bảo an toàn cho lớp học. Ngay ở cửa ra vào của nhà trẻ là nước rửa tay sát trùng để cha mẹ có thể rửa tay trước khi tiếp xúc với con trẻ. Ở đây cũng treo bản đồ khu vực nhà trường, ghi chú những khu vực nguy hiểm như nắp cống, chỗ đông xe cộ qua lại ...để cha mẹ lưu ý và đảm bảo an toàn cho bé.


Tuy nhiên, điều tỉ mỉ phiền toái nhất đối với tôi đó là việc mỗi ngày các cô đều đo nhiệt độ cho bé. Chuyện này sẽ không có gì làm phiền phức nếu như con tôi không có hẳn một giai đoạn hễ cứ sáng ra là cơ thể hơi sốt nhẹ. Chỉ cần bé đạt mốc 37,5 độ là nhà trường sẽ yêu cầu mẹ đưa bé về để đảm bảo bé được chăm sóc tốt nhất và không lây bệnh cho các bạn khác. Sự cẩn thận này đôi khi khiến tôi dở khóc dở cười vì cứ hễ về tới nhà là bé lại hạ nhiệt và coi như mẹ mất trắng ngày hôm đó không thể đi làm.


Theo afamily