Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Gỡ khó cho giáo dục mầm non ngoài công lập


Trong những năm gần đây, quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non phát triển nhanh trên phạm vi toàn quốc, trong đó các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (GDMN NCL) góp phần giải tỏa áp lực cho các trường mầm non công lập. Tuy nhiên, một số trường, nhóm lớp mầm non tư thục trái phép ngày càng "mọc ra như nấm" khiến các bậc phụ huynh lo lắng, gây bức xúc trong xã hội.


Giờ học của học sinh Trường mầm non tư thục Smile Kids (Hà Nội). Ảnh: THU HÀ


Vụ trưởng GDMN, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Nguyễn Bá Minh cho biết: Quy mô mạng lưới, trường, lớp mầm non trên cả nước phát triển khá nhanh với 13.867 trường mầm non (trong đó có 1.736 trường NCL) và 16.365 nhóm lớp mầm non độc lập tư thục (MNÐLTT). Số trẻ đến nhóm lớp tư thục tập trung ở một số tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu đông dân cư như Bình Dương, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng... Nhìn chung, cơ sở vật chất của các trường, nhóm lớp MNÐLTT được cấp phép đã bảo đảm các điều kiện theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh gửi con. Ðiển hình tại thành phố Ðà Nẵng, hệ thống cơ sở GDMN NCL phát triển khá mạnh, năm 2014-2015, thành phố có 158 trường mầm non, trong đó mầm non NCL có 91 trường, 528 nhóm lớp MNÐLTT. Một số nhóm, lớp MNÐLTT đã linh hoạt trong việc thu học phí như thu theo tuần, theo ngày... để bảo đảm trẻ em của các gia đình khó khăn và con công nhân các khu công nghiệp được đến trường. Tại Vĩnh Phúc, trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục NCL đều được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ, được tiêm chủng, khám sức khỏe đúng định kỳ và học hai buổi/ngày...


Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một số khó khăn, bất cập trong công tác quản lý các cơ sở GDMN NCL, đặc biệt là ở các nhóm lớp MNÐLTT chưa được cấp phép. Nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) của người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ở một số tỉnh, thành phố là rất lớn. Các trường mầm non công lập, kể cả trường mầm non NCL tuy tăng về số lượng hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ nên các nhóm lớp tự phát vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Các nhóm, lớp MNÐLTT thường có diện tích chật chội, không có đồ chơi và các phương tiện vệ sinh, thiếu phương tiện bảo toàn tính mạng cho trẻ nên rất dễ xảy ra tai nạn. Ðáng lo ngại là khu chế biến thức ăn cho trẻ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phần lớn người trông trẻ không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm mầm non.


Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD và ÐT, tính đến đầu năm 2014, trong số hơn 16 nghìn nhóm lớp có khoảng 2/3 số cơ sở MNÐLTT hoạt động được cấp phép, còn lại là chưa được cấp phép. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở này không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, vướng mắc về thủ tục thuê địa điểm, trình độ giáo viên hạn chế, không ổn định về số lượng.


Từ thực tiễn quản lý, Phó trưởng phòng GD và ÐT huyện Ðông Anh (Hà Nội), Ðinh Thị Hương chia sẻ: Việc quản lý các nhóm lớp NCL còn gặp nhiều khó khăn do số trường, nhóm lớp tăng nhanh. Cơ sở vật chất chủ yếu là cải tạo lại từ nhà ở nên thiết kế không phù hợp với trẻ mầm non. Trong khi đó, các chủ nhóm trẻ thiếu kinh nghiệm quản lý, chuyên môn nghiệp vụ về chăm sóc GDMN yếu, đội ngũ giáo viên, nhân viên không ổn định, thường xuyên thay đổi. Bên cạnh đó, nhận thức một số phụ huynh học sinh còn hạn chế, một số xã chưa thật sự quan tâm nên vẫn xảy ra tình trạng một số nhóm trẻ chưa được cấp phép đã hoạt động. Trưởng phòng GDMN (Sở GD và ÐT Hải Phòng) Trương Thị Phương Dung thừa nhận: Công tác quản lý, chỉ đạo của ngành gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Hơn nữa, địa điểm nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ÐLTT tự phát nằm rải rác trong địa bàn dân cư, công tác kiểm tra khó thực hiện thường xuyên liên tục nên không phát hiện những sai sót, tồn tại để chấn chỉnh kịp thời.


Thực tế cho thấy, để các trường, nhóm lớp mầm non tư thục hoạt động đạt hiệu quả như mong muốn, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Ðiển hình như tại Hải Phòng đề cao vai trò của tổ trưởng dân phố, hội phụ nữ trong cộng đồng dân cư để kịp thời phát hiện các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục hình thành tự phát trên địa bàn. Phòng GD và ÐT thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các trường công lập trên địa bàn giúp đỡ các cơ sở MNNCL như xây dựng kế hoạch giảng dạy các chủ đề, hướng dẫn cách soạn bài và trang trí nhóm, lớp. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục MNNCL có thể cho giáo viên sang dự giờ, thăm lớp ở các trường công lập để học tập kinh nghiệm...


Ðể các trường mầm non NCL, các nhóm lớp MNÐLTT hoạt động có hiệu quả, các chuyên gia giáo dục cho rằng khi xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất cần có quy định việc quy hoạch và xây dựng các trường mầm non đi kèm để bảo đảm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân lao động. Việc tăng cường công tác quản lý nhóm lớp mầm non tư thục đang được đặt ra không chỉ cho ngành GD và ÐT, mà còn cần có sự vào cuộc của các cơ quan liên quan. Theo Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Thị Nghĩa: Ðể chấn chỉnh tình trạng một số nhóm, lớp MNÐLTT chưa được cấp phép xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em trong thời gian qua, Phòng GD và ÐT các quận, huyện cần phối hợp với UBND xã, phường tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở giáo dục MNNCL, nhất là các nhóm lớp MNÐLTT đang hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến các tổ dân phố về các nhóm, lớp tư thục đã được cấp phép, chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động trên địa bàn để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất hoạt động của các cơ sở giáo dục MNNCL trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm và kiên quyết đình chỉ các nhóm, lớp MNÐLTT không bảo đảm các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.


Theo Báo Giáo Dục