Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bố mẹ hãy tạo cơ hội để con được lớn


Phần lớn bố mẹ vì thương con, không muốn con phải "chịu khổ" nên thường không giao việc nhà hay để các bé làm những việc vừa sức. Tuy nhiên, điều đó vô tình hình thành thói quen ỷ lại và lười biếng ở trẻ.

Trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng đồng thời có ham muốn tự làm mọi việc và vừa sợ hãi khi bị tách ra khỏi cha mẹ. Công việc của bố mẹ lúc này là hướng các con vào ý thức tự lập một cách từ từ, giúp chúng có niềm tin để thử và cố gắng, trao cho chúng cảm giác an toàn khi luôn có cha mẹ ở đằng sau.

Hướng dẫn trẻ tự làm những việc vừa sức

Hàng ngày, hàng giờ bạn cần tận dụng thời gian rảnh để dạy trẻ tính tự lập bằng cách hướng dẫn bé tự làm những việc vừa sức mình, lúc đầu bé có thể làm hỏng,... bạn đừng vội la mắng mà hãy hướng dẫn cho trẻ cách làm đúng để dần dần trẻ có thể tự làm.

Khi bé còn nhỏ, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tự chơi một mình với đồ chơi mà không cần bố mẹ bên cạnh (nhưng bạn phải trông chừng các bé đấy), để trẻ tự xúc cơm ăn, tự rửa tay trước và sau khi ăn, tự thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong, tự lựa chọn áo quần để mặc hàng ngày hay xếp áo quần của chính các bé,...

Khi bé lớn lên, bạn sẽ hướng dẫn bé tự chăm lo cho chính mình như tự đạp xe đến trường, tự giặt áo quần hay có thể tự tay làm những món ăn đơn giản khi không có mẹ ở nhà, thậm chí là giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà đơn giản... đây chính là những kỹ năng hết sức cơ bản và quan trọng giúp bé tự chăm lo cho chính mình mà không cần sự nhắc nhở của bố mẹ.

Phân công công việc cho từng thành viên

Trong gia đình nên phân công công việc cho từng thành viên để bé hiểu rằng mỗi người đều có trách nhiệm với công việc và hình thành thói quen làm việc, tính tự lập từ sớm. Cha mẹ có thể giao cho bé nhiệm vụ lau bàn ăn, lấy chén bát ăn cơm, sắp xếp kệ dép gọn gàng mỗi ngày, xách những túi nhỏ khi đi siêu thị, thậm chí là rửa tay cho mình và cho em trước mỗi bữa cơm... và nhắc nhở bé làm thường xuyên để hình thành thói quen tốt.

Khen ngợi, động viên các bé

Việc khen ngợi cần được xem như hành động công nhận trẻ đã hoàn thành công việc nào đó, cho dù chúng chỉ hoàn thành ở mức sơ sài nhất, đơn giản nhất. Hãy đưa ra những lời nhận xét tích cực sau mỗi việc mà trẻ đã làm, cần hạn chế việc dùng những từ khen ngợi quá đáng cho một hành động đơn giản sẽ làm phản tác dụng, thay vào đó là những lời động viên tích cực như: con rửa tay sạch quá, miệng con rất thơm vì con đã đánh răng, cảm ơn con vì đã lau bàn ăn, lấy chén bát giùm mẹ, cảm ơn con vì đã xách đồ cho mẹ, hôm nay con xếp áo quần ngay ngắn quá, kệ dép nhà mình gọn gàng là nhờ con đấy nhé.

Luôn bên cạnh trẻ nhưng hạn chế sự trợ giúp

Vì các bé còn nhỏ nên rất cần tình yêu thương, sự bảo bọc của cha mẹ, do đó dù bạn muốn con tự lập thế nào vẫn phải để các bé hiểu bố mẹ luôn bên cạnh, che chở, ủng hộ các bé để chúng cảm thấy yên tâm mà "làm việc".

Theo Saga / Trí Thức Trẻ