Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hà Nội: Mầm non "chui" nở rộ


Thời gian qua trường mầm non "chui" nở rộ ở Hà Nội. Những cơ sở này chui lủi trong các khu dân cư, thường tập trung ở các khu vực có đông lao động ngoại tỉnh thuê trọ như Trương Định, Thanh Xuân, Hào Nam... Các cơ sở này không đảm bảo cơ sở vật chất, các phương tiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Người trông trẻ đương nhiên cũng không có chuyên môn.

Trường học không có giáo viên chính

Chị Phạm Thị Loan làm việc cho một cửa hàng may trên phố Trương Định (Hà Nội), nên chị đưa con trai là Lại Nam Khánh 14 tháng tuổi đến gửi tại Trường mẫu giáo mầm non Linh Hương (33 ngõ 125 Trương Định) với số tiền 430.000 đồng/tháng (gồm 180.000 đồng tiền ăn và 250.000 đồng tiền trông giữ trẻ).

Chiều 8/9, chị Loan bất ngờ nhận được một cuộc điện của cô giáo tên Hoa hẹn ra quán nước vỉa hè. Cô Hoa nói: "Do cả lớp đang ngủ, cháu Khánh giật mình khóc. Cô Hoa lỡ tay làm hằn lưng cháu. Cô Hoa xin gia đình tha lỗi". Chị Loan tất tưởi chạy vào trường đón con, khi vạch áo cháu, chị phát hiện trên lưng con mình lằn lên 8 vết roi. Do cô Hoa và cô Hiền, hiệu trưởng đã chủ động xin lỗi nên chị Loan bỏ qua sự việc. Tuy nhiên, ngay sau khi bị đánh, cháu Nam có những biểu hiện sợ hãi, hoảng loạn, đêm ngủ quấy khóc và ho...

Từ câu chuyện chúng tôi đã tìm đến tận nơi. Nếu không có tấm bảng ghi dòng chữ Trường mầm non Linh Hương thì người ta rất dễ nhầm đây là nhà ở cao tầng của một hộ gia đình. Không có chỗ để xe, cũng đồng nghĩa với việc trẻ không có sân chơi. Toàn bộ diện tích tầng 1 khoảng gần 30m2 vừa là chỗ học, chỗ chơi cho hơn 20 trẻ từ 3 đến 4 tuổi. Trong nhà có khoảng hơn 20 cháu khoảng 3 đến 5 tuổi. Những cháu bé trên dưới 12 tháng tuổi được "nhồi" trong một căn phòng chỉ khoảng 6m2. Gia đình bà Hiền - hiệu trưởng sinh hoạt ngay tại "trường". Khi chúng tôi hỏi chuyện cháu Khánh, bà Hiền không thừa nhận có việc cháu bị đánh: "Nói cháu bị đánh thì nặng quá. Da cháu còn non nên có chạm nhẹ cũng lằn vết lên. Việc cô sơ ý như thế là chuyện hết sức bình thường...". Khi được hỏi cô Hoa có bằng chuyên môn không thì bà Hiền lấp lửng: "Cô Hoa có bằng ĐH luật, do nhà nghèo, không có việc nên được nhận vào làm. Cô Hoa chỉ là người làm vệ sinh, lau toilet, lau nhà thôi...". Vậy ai là giáo viên chính của cháu Khánh? Câu hỏi không có câu trả lời!

Sau khi nhận được thông tin phản ánh của Thanh Niên về sự việc tại Trường Mầm non Linh Hương, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: chỉ một chi tiết bà Hiền lấp lửng về cô giáo chính, có thể khẳng định ngay cơ sở này không phải là một trường mầm non tư thục, hay một nhóm lớp đủ điều kiện. Sở GD-ĐT sẽ yêu cầu Phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng xuống kiểm tra, nếu đây là cơ sở chui sẽ lập tức yêu cầu đóng cửa ngay. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Trường, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng cho biết: Trường mầm non Linh Hương thực chất là một cơ sở chui, chưa hề xin giấy phép hoạt động và ông đã thông báo đóng cửa.

"Trường" nhiều nhưng có phép ít

Hiện trên địa bàn Hà Nội có 345 trường mầm non, trong đó chỉ có 49 trường mầm non tư thục có quyết định thành lập của các UBND quận. Để có được quyết định này, các cơ sở phải có 2 điều kiện tối thiểu là cơ sở vật chất và điều kiện đội ngũ giáo viên. Khó khăn nhất của các trường tư thục là vấn đề cơ sở vật chất. Theo điều lệ quy định, một trường mầm non trong nội thành phải có 6m2/trẻ (trong đó 3m2 sân vườn và 3m2 trong nhóm lớp), nhưng đối với các trường tư thục, phấn đấu có được 1-1,5m2/trẻ là "lý tưởng" rồi. Phần lớn các trường, nhóm, lớp phải đi thuê địa điểm, hoặc dành nhà của mình mở trường.

Không thể phủ nhận cái được lớn nhất của các trường tư thục là đã giảm được gánh nặng cho các trường công lập, tạo điều kiện cho trẻ được đến các cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, Hà Nội cũng như TP.HCM có một đặc điểm là có một bộ phận khá lớn nguồn lao động ngoại tỉnh đổ về làm ăn. Hầu hết lao động ngoại tỉnh gặp nhiều khó khăn về kinh tế, có người chỉ có tiền gửi con theo ngày, hoặc theo tuần, nên không quan tâm chất lượng các cơ sở đào tạo. Có cung tất có cầu, thời gian qua Hà Nội mọc lên như nấm những cơ sở mầm non "ma", trá hình, tựa như một loại chợ cóc, chợ tạm. Những cơ sở này chui lủi trong các khu dân cư, thường tập trung ở các khu vực có đông lao động ngoại tỉnh thuê trọ như Trương Định, Thanh Xuân, Hào Nam... Những cơ sở này không đảm bảo cơ sở vật chất, các phương tiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Người trông trẻ đương nhiên cũng không có chuyên môn. Khi nghe có đoàn kiểm tra, ngay lập tức các cơ sở này đóng cửa, hoặc "ngụy trang" bằng cách: đây là nhà của tôi, tôi cho cháu tôi ăn đấy chứ!

Trên thực tế, việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở mầm non trá hình trên địa bàn không phải là việc khó đối với chính quyền địa phương, nhưng một vị chủ tịch phường cho biết: từ trước tới nay phường chưa đình chỉ hoạt động một lớp nào mặc dù khi kiểm tra các cơ sở này đều có vi phạm, vì không có một chế tài nào để xử lý!

Thanh Niên