Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

WHO: Thế giới ăn quá nhiều đường!


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận như vậy, khi công bố bản báo cáo về việc lạm dụng đường ăn trên toàn cầu. Theo WHO, mỗi ngày người ta nên giảm lượng đường tiếp nhận vào cơ thể chỉ còn 6-12 muỗng cà phê - một lượng đường quá đủ để pha một lon soda.


WHO: "Thế giới đang ăn quá nhiều đường" - Ảnh minh họa: AP


Vì vậy, hãy "dũng cảm" đặt xuống chiếc bánh doughnut thơm ngon, và cũng bỏ qua các món ngũ cốc điểm tâm, nước ép trái cây, bia và nước sốt cà chua.


Trong khuyến cáo phát hành hôm 4/3, WHO tập trung vào vấn đề lượng đường bổ sung trong thực phẩm chế biến, cũng như trong mật ong, xi rô và nước trái cây. Những lời khuyên này không áp dụng đối với các loại đường tự nhiên trong trái cây, rau và sữa, vì những loại đường này là một phần trong các dưỡng chất thiết yếu đối với cuộc sống.


"Chúng tôi có bằng chứng chắc chắn rằng việc tiếp nhận vào cơ thể một lượng đường bổ sung dưới 10% tổng năng lượng nạp vào cơ thể có khả năng làm giảm các nguy cơ thừa cân, béo phì và sâu răng", bà Francesco Branca, giám đốc Ban Dinh dưỡng của WHO cho biết trong tuyên bố của mình.


Các chuyên gia từ lâu đã đề cập đến sự nguy hiểm của đường và các nghiên cứu cho thấy những người ăn một lượng lớn đồ ngọt có nguy cơ cao hơn trong việc chết trẻ vì các vấn đề về tim mạch, bệnh tiểu đường và ung thư, cùng các căn bệnh liên quan khác.


Để đáp ứng ngưỡng thấp theo hướng dẫn mới, Mỹ, châu Âu và các nước phương Tây khác sẽ phải cắt giảm khoảng 2/3 lượng đường tiêu thụ trung bình.


Người Mỹ tiếp nhận khoảng 13% calorie từ đường bổ sung, tương đương với 268 calorie, và mức này bằng khoảng 18 muỗng cà phê (một muỗng cà phê đường cung cấp khoảng 15 calorie). Tại châu Âu, lượng đường chiếm từ 7% ở Hungary và Na Uy, đến 17% ở Anh, và gần 25% ở Bồ Đào Nha.


Một số chuyên gia cho rằng mục tiêu giảm tới 10% lượng đường bổ sung calorie "thực tế hơn" đối với các nước phương Tây, trong khi 5% là mục tiêu dành cho các nước đang phát triển, nơi điều kiện vệ sinh răng miệng không đảm bảo, dễ dẫn đến sâu răng, cũng như các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.


"Để có thể giảm xuống 5%, bạn thậm chí sẽ không được phép uống nước cam vắt", Tom Sanders, một giáo sư về dinh dưỡng và ăn kiêng tại Đại học Hoàng gia London, cho biết. Theo ông, không có gì khó khăn đối với người Âu-Mỹ và người dân các nước phát triển khác khống chế 10% lượng đường cơ thể tiếp nhận, nếu họ hạn chế đồ uống có đường, ngũ cốc, bia, bánh quy và kẹo.


Hiệp hội Đường ăn quốc tế (SA) đã lên tiếng chỉ trích khuyến cáo mới về đường của WHO, với lập luận các khuyến cáo này căn cứ trên dữ liệu "chất lượng kém, thiếu thuyết phục và không phù hợp", đặc biệt là với mục tiêu 5%.


Hội đồng quốc tế các hiệp hội đồ uống (ICBA) lặp lại những mối quan ngại WHO nêu lên và cho biết các nhà sản xuất đồ uống có thể giúp mọi người giảm bớt lượng đường thông qua việc thu nhỏ kích thước bao bì chứa đồ uống (lon, chai, hộp), cũng như đồ uống không calorie và ít calorie, đồng thời cung cấp thông tin dinh dưỡng chi tiết trên nhãn sản phẩm.


Ví dụ, Coca-Cola, đã triển khai tích cực tiếp thị đồ uống "lon nhỏ" và đã phát động "phiên bản giảm calorie" của thương hiệu nước soda gọi là Coca-Cola Life.


Theo PN