Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xóa "điểm trắng" trường mầm non: Về đích trước thời hạn


2014 là năm Hà Nội dành sự quan tâm rất lớn cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, đặc biệt là đã hoàn thành xóa "điểm trắng" trường mầm non (MN) tại hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Nhìn lại chặng đường gần 4 năm triển khai chủ trương này, thấy rõ sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố trong việc chăm lo cho giáo dục.


Trẻ em cần những điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện. Ảnh: Viết Thành


Chỉ đạo quyết liệt

Tháng 9-2011, hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành thành phố đã xác định sáu nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong việc đầu tư xây dựng trường học đến năm 2015 nhằm bảo đảm mục tiêu tối thiểu là mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường công lập ở cấp học MN, tiểu học và THCS. "Chiểu" theo tiêu chí này thì Hà Nội còn thiếu vài chục trường học, cả ở cấp MN và phổ thông. Khi ấy, vấn đề xây dựng trường MN được đặt ra cấp thiết hơn cả, bởi số trẻ ra lớp ở cấp MN năm sau luôn cao hơn năm trước, với mức tăng trung bình hơn 20 nghìn trẻ/năm, trong khi điều kiện trường lớp chưa đáp ứng kịp.


Dõi theo mục tiêu đặt ra thì đến năm 2015 Hà Nội phải hoàn thành nhiệm vụ xóa "điểm trắng" về trường MN công lập tại 6 phường: Trung Liệt, Láng Thượng, Ngã Tư Sở, Phương Mai (quận Đống Đa) và Lê Đại Hành, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng). Tại hội nghị giao ban nói trên, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương xây dựng lộ trình và các giải pháp khả thi nhằm thực hiện mục tiêu này, trong đó ưu tiên quỹ đất cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu".


Khảo sát của các sở, ngành cho thấy, việc xây dựng trường MN tại 6 phường này không đơn giản, bởi đều nằm tại các quận nội thành, khu vực "lõi" của Hà Nội, việc tìm ra quỹ đất trống để xây dựng trường học rất khó khăn. Hàng loạt giải pháp quyết liệt và đồng bộ đã được lãnh đạo thành phố triển khai như di dời một số doanh nghiệp trong nội đô ra ngoại thành, thu hồi các khu đất để hoang hóa hoặc sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả... Với sự chủ trì của lãnh đạo thành phố, tổ công tác xóa "điểm trắng" trường MN được thành lập với sự tham gia của các sở, ngành, địa phương, đều đặn họp vào ngày 25 hằng tháng để rà soát quỹ đất, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn ở từng nơi. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã dành nhiều thời gian trực tiếp khảo sát từng địa điểm dự kiến dành để xây dựng trường MN tại hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Quan điểm được lãnh đạo thành phố khẳng định là tập trung mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp để tạo quỹ đất cho việc xây dựng trường MN tại hai quận này. Với những nơi không hoàn thành đúng thời hạn, thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo UBND quận.


Chung tay vì mục tiêu chung
Không chỉ hoàn thành mục tiêu đúng hạn, số lượng trường MN được xây thêm còn vượt chỉ tiêu 2 trường, với 8 trường/6 phường. Trung bình mỗi trường được đầu tư 30-50 tỷ đồng, đủ để xây dựng đầy đủ hệ thống phòng học, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ theo các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Tính đến thời điểm này, mỗi trường đã đón 500 - 1.000 trẻ trên địa bàn, đem lại niềm vui cho người dân trong khu vực khi có được ngôi trường khang trang ngay trên địa bàn phường mình, nỗi lo con em thiếu chỗ học giảm hẳn. Lãnh đạo các quận, phường cũng bớt đau đầu khi không còn phải tính toán kế hoạch phân tuyến tuyển sinh hằng năm. Quá trình triển khai cho thấy, việc xây dựng trường MN công lập nằm tại các quận nội thành nói chung, tại hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng nói riêng thực sự là chặng đường gian nan. Trong số 8 trường MN, có những ngôi trường chỉ triển khai xây dựng trong một năm là đã có thể mở cửa đón trẻ, song cũng có trường phải mất đến 3 năm thì mới hoàn thiện. Công đoạn gian truân nhất, tiêu hao nhiều thời gian và kinh phí nhất là tạo quỹ đất để xây dựng trường, bắt đầu từ việc tìm địa điểm, chuyển đổi mục đích sử dụng, rồi đến giải phóng mặt bằng..., tất cả cần sự vào cuộc kiên trì của nhiều sở, ngành, địa phương.


Có được kết quả đáng khích lệ ấy, theo bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự chung tay vào cuộc nghiêm túc, đầy trách nhiệm của các địa phương, sở, ngành liên quan như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường... Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng đều đã dốc sức, dành phần kinh phí không nhỏ để đầu tư xây dựng trường học.


Sức mạnh tổng hợp ấy đã góp phần làm cho mạng lưới trường MN của Thủ đô ngày càng hoàn thiện theo hướng đồng bộ, đạt chuẩn, tạo thêm nhiều chỗ học có chất lượng cho trẻ. So với 5 năm trước, tỷ lệ huy động trẻ MN ra lớp ở các độ tuổi của Hà Nội hiện đã tăng đáng kể: 96% trẻ mẫu giáo, 31% trẻ nhà trẻ, cao hơn gần 10% so với tỷ lệ trung bình toàn quốc. Mạng lưới trường lớp tăng, áp lực về sĩ số trẻ/lớp giảm, đó là điều kiện thuận lợi để giáo dục Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục.


Theo HNM