Một đất nước có hơn 91 triệu dân, 54 dân tộc, giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ đã được chứng minh là một chiến lược có hiệu quả cao trong việc cải thiện kết quả học tập của trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, bằng việc kết hợp sáng kiến giảng dạy song ngữ với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách và đầu tư công, Việt Nam đang có một cơ hội quan trọng để tiếp tục gìn giữ sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa của mình. Đồng thời đóng góp một phần quan trọng trong việc đạt được sự phát triển kinh tế-xã hội công bằng và bền vững.
Để hiện thực hóa được triển vọng này trong tương lai, khuyến nghị của LHQ và một số tổ chức thành viên cho rằng Việt Nam cần phải giải quyết được rào cản về ngôn ngữ đối với trẻ em dân tộc thiểu số khi chỉ có một số ít giáo viên có khả năng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số. Từ đó gây ra những bất lợi và thiệt thòi cho các em trong việc học, tiếp thu nên hạn chế các cơ hội đạt được tiềm năng đầy đủ của các em.
Trong nhiều năm qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu toàn cầu về "Giáo dục cho mọi người" trong đó có việc thử nghiệm thành công một sáng kiến hành động nghiên cứu cho việc giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ (MTBBE) tại ba tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh từ năm 2008.
Kết quả của thử nghiệm tại các trường mầm non và tiểu học đã chứng minh rằng việc học tập của trẻ em dân tộc thiểu số được giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ của mình có kết quả cao hơn so với các em dân tộc thiểu số được giảng dạy ngay từ đầu bằng tiếng Việt.
"Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong những năm đầu tiên của giáo dục khuyến khích và hỗ trợ việc học tập của học sinh dân tộc thiểu số. Điều này cho phép các em ở lại học lâu hơn trong trường học và nâng cao thành tích học tập của các em bao gồm cả trong ngôn ngữ tiếng Việt hoặc ngôn ngữ quốc tế sau này. Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ là một cách hiệu quả giúp chúng ta không để lại trẻ em nào phía sau và ngoài giáo dục chất lượng. Điều này sẽ giúp trao quyền cho các nhóm dân tộc thiểu số để hòa nhập vào xã hội và đóng góp tốt hơn cho sự phát triển bền vững của đất nước", ông Abdel-Youssouf Jelil, Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam nhận định.
Trước những thành công của chương trình thử nghiệm, chính quyền các tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh đang tiếp tục mở rộng sáng kiến này, đồng thời một số địa phương khác cũng cam kết áp dụng các chương trình tương tự.
Giáo dục bằng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ là một phần thiết yếu của việc đạt được các mục tiêu này, đồng thời nhằm tạo ra các điều kiện học tập cũng như củng cố những kỹ năng đọc, viết và làm toán. Tổng Giám đốc UNESCO - Bà Irina Bokova
Theo nguồn "Cổng Thông tin điện tử Chính phủ"