Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ cần biết sợ


Chúng ta thường nói với nhau về việc con sợ cái này, cái kia và làm cách nào để trẻ không còn sợ hãi. Đã có nhiều đứa trẻ được nuôi dạy và giáo dục theo cách "không có gì phải sợ". Trong số đó, có những đứa trẻ đã lớn lên không phải bằng sự can đảm như kỳ vọng của người lớn mà bằng sự lì lợm, bướng bỉnh và đôi khi tỏ ra bất cần.


Trên các diễn đàn, có nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng khi con không biết sợ trước những lời cảnh báo hiểm nguy. Trẻ hay đút tay vào ổ điện, nghịch dao kéo, nước sôi; đùa với các vật nuôi trong nhà mà không sợ bị thương tổn. Trẻ ngông nghênh đi giữa đường hẻm, mặc kệ xe cộ. Trẻ thích trèo cây cao mà không sợ ngã hoặc sẵn sàng đánh nhau với bốn năm bạn. Chính vậy mà người lớn không dám rời mắt khỏi trẻ, lúc nào cũng lo lắng trông chừng. Nhưng bố mẹ liệu có đi theo để bảo vệ con được cả đời? Sự nguy hiểm cũng đâu phải chỉ quanh quẩn góc bếp xó nhà. Đâu chỉ là vết đứt tay, bươu đầu mà còn tiềm ẩn những nguy cơ vô cùng tai hại khác.


Đáng sợ hơn cả chính là người lớn không thể kiểm soát được những xung đột tâm lý để ngăn chặn kịp thời hành động sai trái của con trẻ. Bởi vậy, cha mẹ ngoài việc giúp con mạnh mẽ, tự tin vượt qua những nỗi ám ảnh không đáng có, cũng nên hiểu sự cần thiết của việc dạy con biết sợ. Cần vạch ra những giới hạn nguy hiểm để con biết đường tránh, biết tự bảo vệ bản thân và không làm đau người khác.


Chính vì người lớn không nghiêm khắc nên trẻ không biết sợ. Ở nhà trẻ không biết sợ ông bà, bố mẹ; đi học không biết sợ thầy cô thì lớn lên sẽ không biết sợ luật pháp. Đứa trẻ ấy sống bằng bản năng, không có điều gì kìm giữ được phần "con" trỗi dậy lấn át phần "người".


Dư luận nhiều phen bàng hoàng trước những vụ án mạng rùng rợn do sát thủ tuổi "teen" gây ra. Người ta tự hỏi làm sao một đứa trẻ lại dám giết người không ghê tay? Có trẻ, sau khi gây án còn biết tạo hiện trường giả rồi thản nhiên đi học, đi chơi, sinh hoạt bình thường. Tại sao tội phạm ngày càng trẻ hóa? Do gia đình nới lỏng quản lý, do nghiện game, do ảnh hưởng những tiêu cực trong xã hội, hay do luật pháp chưa đủ nặng để răn đe? Tất cả đều đúng, nhưng có lẽ căn nguyên sâu xa vẫn là do những đứa trẻ đó ngay từ nhỏ đã không được người lớn dạy cho biết sợ những giới hạn trong đời.


Quay lại với câu chuyện giáo dục trong gia đình, làm thế nào để con biết sợ, nhất là với những trẻ có tính hiếu động và lì lợm? Từ ba-tám tuổi là một trong những giai đoạn quan trọng nhất của việc hình thành nhân cách và tư duy. Nhưng rất nhiều gia đình bỏ bê, không coi trọng việc giáo dục trẻ mà chỉ đơn thuần là trông giữ trẻ. Không nên chiều chuộng trẻ, bỏ qua sự răn đe đúng cách và cần thiết. Đôi khi phải để trẻ bị đau trong an toàn để trẻ biết sợ hãi mà tránh xa các mối hiểm nguy.


Cũng đừng chỉ biết dùng đòn roi để dạy bảo trẻ. Khi trẻ sai, phải bình tĩnh giải thích và cảnh báo cho trẻ hiểu. Nếu trẻ hay nghịch dao, người lớn có thể giả vờ bị dao cứa đứt tay, với biểu cảm tỏ ra rất đau đớn, xuýt xoa. Sau đó nói với bé rằng không nên nghịch dao kéo vì chúng sẽ làm con bị đau. Cho trẻ xem hậu quả cháy nổ, nghịch nước bỏng, bị xe tông qua tình huống thật ngoài đời hoặc các bức ảnh minh họa để bé ngoan ngoãn vui chơi và đi lại cẩn thận.


Mọi phương pháp đều phải đúng cách và đúng lúc, đừng dạy trẻ bằng nỗi sợ hãi nhưng cũng đừng để trẻ không biết sợ gì. Bởi một khi trẻ không biết sợ thì mọi lời cảnh báo của gia đình và xã hội đều trở nên vô giá trị. Dạy con biết sợ để trước mắt con tránh được những hiểm nguy rình rập xung quanh, để khi lớn lên, trẻ không trở thành những con ngựa bất kham gây hại cho bản thân và xã hội.


Theo PN