Hôm 27/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị giao ban thực hiện dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non (MN).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì; Đại diện Ngân hàng thế giới, các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT và lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, phòng GDMN, Phòng Giáo dục Đào tạo của 32 tỉnh, thành tham dự.
Nâng cao chất lượng GDMN
Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ MN được Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng thế giới (WB) ký kết nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi cũng như việc thực hiện một số chính sách phát triển GDMN giai đoạn 2011-2015.
Báo cáo tại hội nghị, Phó vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), Giám đốc dự án Lý Thị Hằng cho biết: Dự án trên có tổng số vốn 100 triệu USD, chia làm 2 hợp phần. Đây là dự án thứ 3 của WB tại Việt Nam và là dự án đầu tiên của Bộ thực hiện giải ngân theo cơ chế mới. Theo đó, hợp phần 1 của dự án (95 triệu USD) được giải ngân hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước, dựa trên kết quả đầu ra được thực hiện và tổng hợp từ các địa phương.
Sau hơn 1 năm thực hiện, các địa phương đã cơ bản hoàn thành 5 chỉ tiêu và một phần của 3 chỉ tiêu khó dự án đề ra. Đó là việc hoàn thành báo báo cơ sở về tỷ lệ nhập học 2 buổi/ngày của trẻ 3-5 tuổi và trẻ 5 tuổi dựa theo số liệu năm học 2011-2012, chia theo giới tính và dân tộc.
Chỉ số thứ 2 cũng đạt kết quả cao với việc tăng thêm 5% trẻ 5 tuổi được học bán trú trong năm 2014. Các quy định hướng dẫn tự đánh giá đã hoàn thành, nhờ đó 90% trường MN đã tự đánh giá chất lượng trường mình.
Đến cuối năm 2014 đã có 7,1% trường MN được đánh giá ngoài đạt chất lượng cấp độ 1 trở lên. Cả nước có trên 2.000 GV cốt cán được tập huấn để thực hiện bồi dưỡng các mô đun tưu tiên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, cả nước cũng có 50,7% cán bộ quản lý và GV được tập huấn theo 10 mô đun.
Tuy nhiên, với 3 chỉ tiêu này, có 2 chỉ tiêu là tỷ lệ trường MN đạt chuẩn chất lượng cấp độ 1 và tỷ lệ cán bộ quản lý và GV được tập huấn vẫn còn cách xa so với mục tiêu giải ngân.
Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ trường MN đạt chuẩn chất lượng cấp độ 1 trở lên cả nước mới đạt 7,1% và mới có 50,7% cán bộ quản lý và giáo viên mầm non được tập huấn 10 mô đun ưu tiên. Như vậy, so với mục tiêu vẫn còn thiếu lần lượt là 32,9% và gần 40%.
Đặc biệt, trong 32 tỉnh thành, số trường MN đánh giá ngoài đạt cấp độ 1 trở lên ở mức 3% (toàn quốc là 7,1%), đặc biệt có 9 tỉnh đến cuối năm 2014 chưa thực hiện đánh giá trường nào; 6 địa phương chưa triển khai tập huấn mô đun cho cán bộ quản lý và giáo viên.
Nỗ lực hơn nữa
Giải tỏa những băn khoăn của địa phương về đánh giá chất lượng trường MN, Trưởng phòng Kiểm định chất lượng GDMNPT&TX (Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT) Nguyễn Đại Dương chia sẻ: Kiểm định chất lượng GD là bắt buộc, được quy định trong Luật GD nên các địa phương cần coi đây là việc làm thường xuyên. Các tiêu chí để đánh giá dựa vào Điều lệ trường MN.
Những địa phương nào chưa đạt được tiêu chí tối thiểu trên chứng tỏ chưa có sự quan tâm thích đáng đến công tác kiểm định chất lượng trường MN. Về đội ngũ kiểm định, ông Dương cho rằng Thông tư hướng dẫn của Bộ không bó hẹp trong phạm vi Sở mà có thể huy động hiệu trưởng các trường, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các trường sư phạm có khoa MN.
Ngoài ra, trong công tác bồi dưỡng đánh giá ngoài, "Đơn vị nào gặp khó khăn, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nhân lực để bồi dưỡng, hướng dẫn", ông Dương khẳng định.
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ KH-TC (Bộ GD&ĐT), Phó GĐ dự án Lê Khánh Tuấn, nhiều địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu, nêu lên nguyên nhân do thiếu ngân sách, là xuất phát từ việc ngành GD và GDMN không được tham gia vào quá trình lập dự toán kinh phí trong năm của địa phương nên không thể xây dựng kế hoạch hoạt động và kế hoạch tài chính.
Thậm chí nhiều nơi còn không biết có dự án này cho thấy công tác tuyên truyền còn yếu, sự phối hợp giữa phòng GD quận huyện với phòng Tài chính còn lỏng lẻo. Đề nghị các lãnh đạo các tỉnh, thành phố quan tâm hơn đến việc chỉ đạo phối hợp công tác xây dựng kế hoạch hoạt động và lập dự toán ngân sách năm 2015.
Việc 32 địa phương, đặc biệt là 5 thành phố lớn của cả nước nằm trong "top" các tỉnh thực hiện đánh giá ngoài có tỷ lệ đạt cấp độ 1 trở lên còn thấp, trong khi những tỉnh khó khăn lại... đạt tỷ lệ cao hơn cho thấy kiểm định chất lượng GD không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy các tỉnh, thành phố có mức sống, thu nhập cao hơn lại chưa sẵn sàng đầu tư hoặc chưa có sự quan tâm đúng mức tới việc kiểm định chất lượng trường MN.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, cuối năm 2016 dự án sẽ kết thúc, do vậy, các địa phương cần tận dụng mọi cơ hội để bứt phá trong chặng đường cuối này. Theo đó, các địa phương cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các ban ngành trong việc dành kinh phí cho GDMN.
Bên cạnh đó, việc đánh giá chất lượng trường MN cũng như đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, GV là việc làm thường xuyên nên các địa phương cần đẩy mạnh để vừa hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết đồng thời để nâng cao chất lượng GDMN.
Năm 2015, đảm bảo có 80% trẻ 5 tuổi và 85% trẻ 3-5 tuổi đang học tại trường được ăn trưa để học bán trú; Tăng tỷ lệ các trường được đánh giá ngoài đạt chuẩn cấp độ 1 lên 25% và 98% cán bộ quản lý, GVMN được tập huấn 10 mô đun.
Theo GD&TĐ