Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cấp bách xây 72 trường mầm non


Việc TP.HCM huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng 72 trường mầm non công lập (MNCL) trên địa bàn TP với tổng số tiền gần 2.800 tỷ đồng, có thể khẳng định, đây là một chủ trương rất đặc biệt của TP bởi phải đi vay tiền của các ngân hàng và tiền gốc + lãi suất cũng TP chi trả.


Trường Mầm non 2 (Q.Bình Thạnh), một trong những trường nằm trong dự án xây mới cấp bách của QĐ42


"Vốn các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn, việc triển khai các dự án nhanh hay chậm là phụ thuộc ở các quận, huyện", bà Phan Thị Thắng - Phó giám đốc Sở Tài chính TP - khẳng định tại buổi họp để trao đổi, thống nhất các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án tham gia chương trình huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng trường MNCL do liên Sở GD-ĐT; Tài chính; Kế hoạch - Đầu tư và Kho bạc Nhà nước TP tổ chức ngày 21-1.

Trường Mầm non 2 (Q.Bình Thạnh), một trong những trường nằm trong dự án xây mới cấp bách của QĐ42


Quyết định đặc thù của TP.HCM
TP.HCM hiện có trên 870 trường MN với 309.279 trẻ đang được chăm sóc và học tập, để có được số trường học này, TP đã đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, kích cầu, xã hội hóa... hàng chục ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, để đáp ứng chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn TP.HCM và con em công nhân, người lao động trong năm 2014 TP đã phê duyệt 118 dự án xây dựng các trường MN (2014). Nhưng TP cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 85% nhu cầu gửi trẻ. Vì còn gần 25% số lượng trẻ đang theo học tại 254 trường MN ngoài công lập và 800 nhóm lớp tư thục.


Tuy nhiên, do tình hình nguồn ngân sách hạn chế, việc xây 118 trường như kế hoạch đã được phê duyệt có thể bị chậm trễ, do đó, UBND TP đã có quyết định đặc thù (quyết định 41 - QĐ41) nhằm tháo gỡ khó khăn này.


QĐ41 nêu rõ: Các dự án đầu tư xây dựng trường MNCL đảm bảo phù hợp qui hoạch được duyệt, được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư, đã có sẵn đất sạch hoặc đã thực hiện xong bồi thường giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện khởi công thực hiện ngay và được UBND TP chấp thuận thực hiện theo chương trình. Nguồn vốn thực hiện là vốn vay của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP và các tổ chức tín dụng (4 ngân hàng) đăng ký tham gia chương trình. Hàng năm ngân sách TP sẽ bố trí kế hoạch vốn cho chủ đầu tư theo từng dự án cụ thể để trả nợ gốc và lãi vay.


Chủ thể vay vốn đồng thời là chủ đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng trường MNCL là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình (BQLĐTXDCT) các quận, huyện. Thời hạn vay tối đa 8 năm/dự án, trong đó thời gian bắt đầu trả nợ gốc và lãi vay là thời gian công trình hoàn thành nhưng tối đa không quá 24 tháng, kể từ ngày giải ngân vốn vay đầu tiên. Lãi suất vay vốn, theo nguyên tắc bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng (loại trả sau) của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), cộng phí quản lý không quá 2%/năm. Nhưng tối đa, không quá mức lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng bình quân của bốn ngân hàng thương mại trên địa bàn TP (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN - chi nhánh TP.HCM; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương VN) công bố hàng tháng. Kỳ điều chỉnh lãi suất: 6 tháng/lần.


Sợ trách nhiệm... làm sao xây trường
Đại diện BQLĐTXDCT Q.2 cho rằng: Trong dự thảo, nếu giải ngân từng giai đoạn thì thời gian ân hạn là không kịp; thi công một công trình mất thời gian từ 12-14 tháng, nếu trong khi thi công có phát sinh về giá nguyên vật liệu, giải phóng đền bù... thì BQLĐTXDCT sẽ bị phạt? Đại diện Phòng Tài chính huyện Cần Giờ cũng đặt câu hỏi: Các dự án MN trước đây đã được ghi vốn, bây giờ chuyển qua hình thức này việc ghi vốn sẽ ra sao? Còn huyện Củ Chi thì nêu vấn đề, là huyện có nhiều xã nhất TP thực hiện theo đề án xây dựng nông thôn mới, trong 19 tiêu chí, có tiêu chí giáo dục. Vậy, nếu phải bàn giao hoặc làm lại hồ sơ trong khi theo QĐ41, trong hai năm 2014-2015 phải hoàn thành dự án sẽ không kịp...? Ngoài ra nhiều đại diện băn khoăn về thủ tục; kế hoạch; thời gian trả nợ; ân hạn... làm cho việc triển khai xây dựng trường MNCL sẽ gặp khó khăn và khó hoàn thành đúng kế hoạch. Đặc biệt, "sợ trách nhiệm" là "tâm lý" chung của đại diện một số BQLĐTXDCT, phòng kinh tế các quận, huyện đưa ra.


Bà Nguyễn Thị Bình Minh - Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP khẳng định: "Nếu tất cả các BQLĐTXDCT đều viện dẫn vào những khó khăn nêu trên, vậy khi nào mới có đủ trường MNCL cho con em nhân dân. Việc triển khai thực hiện, đề nghị các quận, huyện căn cứ vào các qui định hiện hành để thực hiện và tháo gỡ. Do trước đây, khi xây dựng trường học, các quận, huyện được cấp vốn từ nguồn ngân sách (một cục), nếu có chậm tiến độ hoặc phát sinh về giá trị đền bù giải tỏa, không hoàn thành đúng tiến độ... chỉ bị nhắc nhở. Còn bây giờ, việc thực hiện xây ngay 72 trường MNCL trong hai năm 2014-2015 theo chương trình, nếu bị chậm một ngày phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo. Vì hàng năm, ngân sách TP sẽ bố trí kế hoạch vốn cho chủ đầu tư theo từng dự án cụ thể để trả nợ gốc và lãi vay". Phó giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cũng chia sẻ: Việc BQLĐTXDCT các quận, huyện bây giờ phải đứng ra làm chủ vay vốn thì những vấn đề liên quan tới lãi vay, ân hạn, thời gian hoàn thành công trình... lo lắng là đúng. "Cái gì mới, khi làm sẽ có phát sinh vấn đề nhưng không vì thế mà nản. Vì cái gì cũng có hướng giải quyết, nếu đúng luật, thực hiện đúng các qui định của luật, TP...", Bà Thắng nói. "Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, sớm hơn thời gian ấn định càng tốt nên QĐ41 đã nêu rõ: Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm phê duyệt, điều chỉnh quyết định đầu tư các dự án theo qui định, chỉ đạo, đôn đốc các BQLĐTXDCT triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ đã được phê duyệt. Trường hợp thời gian thực hiện dự án kéo dài hơn so với thời gian ân hạn của bên cho vay thì Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND TP... BQLĐTXDCT phải cam kết và chịu trách nhiệm trước UBND quận, huyện thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt trong dự án đầu tư. Tổ chức quản lý dự án và quyết toán dự án hoàn thành theo qui định hiện hành của Bộ Tài chính, tính toán nhu cầu vốn trả nợ gốc và lãi vay hàng năm gửi phòng kế hoạch - tài chính quận, huyện".


Theo Báo Giáo Dục