Thay đổi trong cách nói với con 'Mẹ bảo con có nghe không', 'Ạ đi thì mẹ mới cho'...những câu tưởng như đúng đắn của nhiều phụ huynh thực ra lại dạy con thói áp đặt, vô lý. Ngôn ngữ không chỉ có vai trò giao tiếp mà đồng thời còn thể hiện trình độ văn hoá và hỗ trợ đặc lực cho việc nuôi day bé. Nói chuyện với con sai cách cũng là lỗi phổ biến của rất nhiều cha mẹ Việt và vô tình tạo cho con những thói xấu, làm sai lệch sự phát triển nhân cách, tâm lý và thái độ sống của bé ngay từ khi mới ra đời. Cha mẹ khéo sẽ phải biết suy nghĩ trước khi nói những câu này với con: 'Con ạ đi thì mẹ mới cho' Nhiều người cho rằng việc nói "con ạ đi thì bố/mẹ mới cho" là cách rèn con ngoan hiệu quả và tự hào về phương pháp này. Dạy con biết cảm ơn khi được nhận đồ thì đúng nhưng bằng cách ra điều kiện như vậy là hoàn toàn sai lầm. Bé phải biết tôn trọng và yêu mến người cho cũng như món đồ được cho từ chính trong suy nghĩ chữ không phải chỉ qua một từ "ạ" suông được nói qua quít, không chú tâm. Những phụ huynh hay ra điều kiện với con rằng "phải ạ mới được cho" hẳn cũng ít nhất một lần "khóc dở mếu dở" khi con không mong muốn món đồ gì và quay đi không thèm cảm ơn. Nhận xét, chê bai con trước mặt người khác "Con em lười ăn lắm", "Nó nghịch như quỷ", "Thằng này nhát lắm, không dám đâu bác ạ"...những câu nói nhận xét, chê bai về một đặc điểm gì đó của con được các bậc cha mẹ thản nhiên nói với người khác trước mặt bé. Một số vô tình, một số cố ý vì cho rằng nói vậy con sẽ xấu hổ mà cố gắng thay đổi. Đây là sai lầm tai hại. Không ai muốn mình bị miêu tả như vậy trước mặt người ngoài. Xấu hổ là có, nhưng nỗ lực thay đổi từ những lời chê bai công kích thì rất hiếm bé nào làm được. Ngay cả chúng ta cũng không muốn ai mang mình ra bình luận với người khác, do đó, đừng làm vậy với chính con mình. Ngăn cấm con mà không nêu lý do "Không được giành đồ chơi của em. Bố nói con có nghe không", "Con cấm không được mở tủ lạnh. Mẹ nói là phải nghe". Cha mẹ cho rằng việc dạy con phải biết nghe lời cha mẹ, người bé phải nghe người lớn, trật tự xã hội Việt Nam là thế. Tuy nhiên cách dạy này đôi khi mang lại nhiều "ức chế" cho bé. Các bé chưa hiểu "trật tự xã hội" mà chỉ hiểu về lẽ công bằng. Nếu con cứ bị người lớn bắt làm theo ý mình, sau này khi tham gia vào các cộng đồng lớn, bé cũng sẽ có thói quen áp đặt những người ít tuổi hơn mình. Mẹ nên giải thích cho con hiểu "Con không được giành đồ chơi của em vì như vậy là bất lịch sự. Con cũng đâu muốn bị ai giành đồ chơi đúng không". Thay vì nói "Sao lại đổ nước ra sàn như thế?" sao cha mẹ không nói "Nước này là để uống con à"; "Không được nhảy trên giường" thành "Giường là nơi để nằm ngủ"; "Có ngừng ném thức ăn ngay lại không?" thành "Thức ăn là để ăn. Con muốn ném thì đi ném bóng rổ"; "Sao cứ gào toáng lên thế?" thành "Nói to là mất lịch sự đấy con ạ"... Nhờ cách nói, hướng con đến một cuộc sống tích cực Con làm đổ ít sữa ra bàn, mẹ hãy nói "May quá chỉ đổ một ít, đổ hết cả cốc thì chẳng còn gì để uống". Con chạy nhảy không may bị ngã, mẹ hãy nói "May quá chỉ bị xước da chảy máu chứ không phải vào viện". Đừng làm quá lên những chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt vì bé cũng sẽ có xu hướng tiêu cực hoá vấn đề thao cha mẹ. Thay đổi cách nói, mẹ sẽ giúp bé có được thái độ sống lạc quan và bản lĩnh hơn.
Theo Khám Phá
|