Cô Phùng Thị Thanh Hương - giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng (TP Bảo Lộc - Lâm Đồng) - chia sẻ một số kinh nghiệm về tổ chức tích hợp giáo dục môi trường vào trong các hoạt động.
Giáo dục cho trẻ mầm non bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động
Cô Hương là một giáo viên dạy giỏi của tỉnh Lâm Đồng. Cô là một trong những gương mặt tiêu biểu của tỉnh được tham dự Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc năm 2014.
Hoạt động học
Theo cô Hương, hoạt động học tập tuy không phải là hoạt động chủ đạo ở trường mẫu giáo nhưng thông qua các môn học: Làm quen môi trường xung quanh, làm quen văn học, tạo hình, âm nhạc... cũng có nhiều cơ hội để thực hiện việc giáo dục môi trường cho trẻ.
Qua các môn học này, trẻ được khơi dậy lòng hứng thú say mê khám phá môi trường, được cung cấp những hiểu biết về các khía cạnh khác nhau của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, ích lợi của môi trường sống với con người, hiểu vì sao con người cần bảo vệ, giữ gìn môi trường và bảo vệ môi trường bằng cách nào.... Từ đó hình thành ở trẻ tình cảm ý thức bảo vệ môi trường.
Kinh nghiệm của Hương là: Vận dụng các nội dung bảo vệ môi trường một cách hứng thú cho trẻ như: Tổ chức tích hợp trò chơi, tổ chức các hoạt động dạo chơi, trò chuyện trước khi vào tiết học, giúp trẻ quan sát trải nghiệm, tìm hiểu các sự vật, hiện tượng xung quanh và các hoạt động bảo vệ môi trường cho con người.
"Để chuẩn bị cho tiết học tiếp theo, tôi cho trẻ về nhà sưu tầm tranh ảnh có liên quan đến nội dung bảo vệ môi trường để trẻ có tư liệu học tập. Tôi nêu các tình huống bảo vệ môi trường cho trẻ suy nghĩ và tìm hướng giải quyết.
Cụ thể: Với chủ đề "Trường mầm non". Mục đích là giúp trẻ nhận biết được môi trường sống của trẻ trường mầm non trên cơ sở đó trẻ nhận biết được môi trường bẩn và môi trường sạch" - Cô Hương trao đổi.
Cũng theo cô Hương, giáo viên có thể tổ chức cho các bé tham quan, tìm hiểu về các phòng ban, các hoạt động trong nhà trường, qua đó tích hợp giáo dục cho trẻ về bảo vệ môi trường như sau: Con hãy kể xem trường chúng ta có những khu vực nào? Các con thấy khu nào bẩn, khu nào sạch, vì sao? Sân trường hôm nay sạch hay bẩn, vì sao? Cần làm gì để sân trường luôn sạch, mát và đẹp.
Hay như với chủ đề về thế giới động vật, cô và trò có thể cùng chơi trò chơi: hoa nở. Trò chuyện một số loại hoa và giáo dục các cháu biết bảo vệ, chăm sóc hoa không bẻ cây, ngắt lá hoa.
Sau khi dạy các cháu học, giáo viên có thể giáo dục các cháu sẽ chăm sóc cây xanh bằng cách xới đất, tưới cây, bắt sâu cho cây v.v... hoặc có thể tổ chức cho lớp đọc thơ dưới các hình thức khác nhau.
Hoạt động góc
Hoạt động vui chơi mà đặc biệt là trò chơi phân vai theo chủ đề, trẻ có dịp trải nghiệm các mối quan hệ của con người trong xã hội, giữa con người với con người, con người với môi trường xung quanh. Từ đó trẻ có thể học được những thái độ, hành vi tích cực phù hợp, góp phần vào việc bảo vệ môi trường.
Cô Hương dẫn giải, ví dụ: Ở góc thư viện giáo viên có thể để nhiều cuốn truyện có nhiều hình vẽ về bảo vệ môi trường cho các bé xem và gần gũi hỏi các bé những hình ảnh bảo vệ môi trường nào đúng hoặc những hình ảnh nào cho thấy đang phá hoại môi trường.
Hoặc góc thiên nhiên, cô cho các cháu tự chăm sóc những cây hoa, chậu cây xanh, bắt sâu hoặc nhổ cỏ, tưới cây.
Từ đó các cháu biết bảo vệ thiên nhiên và có ý thức hơn trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường và khi chơi xong đồ chơi các cháu cũng đã có thói quen sắp xếp đồ chơi ngăn nắp trên kệ.
Hoạt động ngoài trời
"Ví dụ: Ở chủ đề thế giới thực vật, tôi cho các bé quan sát các cây xanh trong sân trường và trò chuyện về những lợi ích của cây xanh đối với môi trường sống và nếu như chặt phá cây thì sẽ ảnh hưởng như thế nào hoặc tổ chức cho các bé nhặt những lá cây quanh trường để làm đồ chơi và những lá cây nào không thể chơi được thì các bé cũng tự biết bỏ vào thùng rác để làm sạch sân trường, các bé cũng biết bảo vệ vườn hoa của trường như không hái hoa, bẻ cành và trong khi chơi thì không dẫm đạp lên cỏ"- Cô Hương trao đổi.
Để giúp trẻ có một số hành vi và thái độ bảo vệ môi trường, giáo viên có thể tổ chức cho trẻ các hoạt động như sau: Nhặt lá làm sạch sân trường, chăm sóc cây - hoa, theo dõi sự phát triển của cây, lau chùi đồ dùng, đồ chơi, không xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Cần phải đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường tích hợp vào các hoạt động cho trẻ sẽ có hiệu quả cao. Từ đó giúp trẻ có thói quen và những hành vi đúng nhằm phát triển nhân cách cho trẻ một cách toàn diện.
Tổ chức các trò chơi, hát, đọc thơ, kể chuyện, ca dao, đồng dao... về bảo vệ môi trường để khắc sâu những hành vi tốt và tránh những hành vi xấu ảnh hưởng đến môi trường.
Trong chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, nội dung giáo dục gắn với bảo vệ môi trường cho trẻ được tích hợp theo từng chủ để, từng hoạt động cụ thể. Căn cứ vào nội dung từng chủ đề và các hoạt động trong ngày, giáo viên có thể lựa chọn nội dung giáo dục bảo vệ môi trường và phương pháp tích hợp phù hợp thông qua các hoạt động một ngày của trẻ.
Theo GD&TĐ