Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

“Người mẹ hiền” giữa đại ngàn Tây Nguyên


Gắn bó với nghề 28 năm, cô Ka Hiền là một trong những tấm gương tiêu biểu cho tấm lòng yêu nghề, mến trẻ. Lòng yêu nghề đã tạo cho cô động lực vượt qua mọi khó khăn để huy động trẻ đến trường.


Cô Ka Hiền là một trong những tấm gương tiêu biểu cho tấm lòng yêu nghề, mến trẻ


Trong số những nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú năm nay, có nhiều gương mặt điển hình từ cơ sở giáo dục. Trong đó có cô Ka Hiền - giáo viên Trường Mẫu giáo Bảo Thuận (Di Linh, Lâm Đồng). Cô là tấm gương giáo viên tiêu biểu đã cùng các già làng, trưởng bản động viên học sinh đến trường.


Sinh ra và lớn lên ở thôn Ka La (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lầm Đồng), từ nhỏ, cô gái người dân tộc Cơ Ho luôn ấp ủ ước mơ sẽ được làm cô giáo. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt, cô Ka Hiền làm đơn xin được về công tác tại nơi mình sinh ra, làm giáo viên tại Trường Mẫu giáo Bảo Thuận.


Bảo Thuận là một xã nghèo, có 98% đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra thường xuyên, việc huy động học sinh ra lớp gặp khó khăn, nhất là vào mùa thu hái cà phê, hái điều. Do nhận thức của người dân còn thấp, nên một số phụ huynh thích cho con em mình theo mẹ lên nương rẫy hơn là đến trường.


Tại Trường Mẫu giáo Bảo Thuận, các cô giáo đã ngày đêm bám lớp, bám từng nhà dân để vận động học sinh tới trường. Là người con của buôn làng, cô Hiền nắm bắt được tâm lý của phụ huynh, cô đến từng hộ gia đình có con em bỏ học để thuyết phục, nêu lên tầm quan trong của việc trẻ được đến trường lớp. Nhờ có sự góp sức của cô Ka Hiền mà tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp luôn đạt 100% .


Cô Ka Hiền tâm sự: Học xong được trở về phục vụ bà con mình vui mừng và hãnh diện lắm. Để không phụ lòng tin yêu và mong mỏi của buôn làng, mình luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là việc làm sao vận động được bà con đưa con em mình đến trường.


Cô Ka Hiền luôn có tinh thần học hỏi để nâng cao kiến thức, kĩ năng để nhanh chóng bắt nhịp vào chương trình giáo dục mầm non mới của Bộ GD&ĐT. Để học trò của mình dễ hiểu và tiếp thu kiến thức, cô tìm những quả thông, tự tay sáng tạo thành các con vật ngộ nghĩnh, sưu tầm những quả bầu, bí khô để tạo hình thú, tỉ mỉ làm hình nộm bé trai, bé gái bằng rơm trông rất gần gũi, đáng yêu.


Với tình yêu nghề, cô luôn tìm kiếm, tư duy và đưa ra các giải pháp hữu ích về tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng đồng bào dân tộc, dạy trẻ 5 tuổi học tốt lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, đưa chất lượng giảng dạy trẻ vùng dân tộc thiểu số ngày một nâng cao, góp phần không nhỏ vào việc giúp các cháu giao tiếp tốt và giảm hẳn tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng.


Cô Văn Thị Thùy Lưu - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bảo Thuận nhận xét: Ka Hiền là một giáo viên giàu kinh nghiệm, nhiệt tình và tận tụy. Là người đồng bào dân tộc nên cô có cách giảng dạy rất đặc biệt và hiệu quả với các cháu ở đây.


Hiền còn là một giáo viên rất có tâm với các đồng nghiệp, cô luôn sẵn lòng giúp giáo viên người kinh tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để làm tốt các nhiệm vụ giáo dục.


Không những gương mẫu từ phong cách giản dị đến đạo đức nghề nghiệp, mẫu mực trong bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ của một gia đình hạnh phúc, cô Ka Hiền còn rất quan tâm, chia sẻ với đồng nghiệp là người Kinh, nhất là những cô giáo trẻ mới ra trường về nhận nhiệm vụ tại đây.


Ka Hiền trao đổi về những nếp sống, nếp nghĩ, phong tục tập quán của người Cơ Ho để đồng nghiệp hiểu kỹ hơn, từ đó có tác động đến nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Theo GD&TĐ