Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy con nói dối


Cổng nhà vừa mở, con như chim sổ lồng, thích thú chạy nhanh ra đường. Lẽ ra mẹ đã đi ngay theo sau, nhưng sực nhớ con chưa có áo khoác, mẹ quay vào nhà lấy. Đang loay hoay tìm áo thì mẹ nghe tiếng con liến thoắng trò chuyện với người nào đó.


Lắng tai, mẹ nghe con khoe: "Con có số điện thoại mới nè, không cho bác đâu!". Rồi mẹ nghe một giọng ồm ồm hỏi lại: "Số mấy?". Ngay lập tức, con trả lời một câu khiến mẹ như chết đứng: "Thôi, không cho bác đâu. Cho rồi bác cũng đem đi... bán à". Mẹ nhận ra người con đang nói chuyện là ai. Ngay lập tức, mẹ chạy nhanh ra cổng, mạnh tay kéo con vào nhà.


Trên đường chở con đi học, mẹ suy nghĩ mãi không biết có nên nói chuyện rõ ràng với con hay không. Ban đầu mẹ tính không nhắc lại, nhưng càng nghĩ lòng càng cảm thấy lo sợ nên buộc phải nói. Tưởng rằng cũng dễ dàng thôi, vậy mà lúc mở lời, mẹ lại chẳng biết nên bắt đầu ra sao và diễn giải thế nào để con hiểu. Mẹ vô cùng lúng túng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Không phải tự nhiên mà mẹ "sợ" bác Hai con như thế. Vì đã từng có rất nhiều chuyện xảy ra và chính bố mẹ là nạn nhân bởi những trò gian xảo của bác con. Từ việc kể khổ để xin tiền cho đến việc "nhòm ngó" đồ đạc của bố mẹ rồi "mượn" đem bán, dù trước đó đã hứa chắc chỉ mượn dùng vài bữa rồi trả lại. Thậm chí khi biết rằng những lời dối trá không còn lấy được lòng tin, bác Hai đã thẳng thừng hỏi tiền bố con bằng một thái độ vô cùng hung hãn. Chính vì vậy mà có lần, khi nghe bác ấy hỏi con: "Trong nhà con có máy tính bảng nào không Bin?" mà mẹ lo đến thót tim. Rất dễ để dạy con đề phòng người lạ, tránh xa kẻ xấu. Còn với người nhà, người thân trong gia đình thì mẹ cảm thấy khó khăn vô cùng. Không lẽ lại cấm con lại gần, cấm con nói chuyện với bác của mình. Mặc dù rất muốn làm thế nhưng mẹ không thể.


Đến trường, mẹ xuống xe dắt bộ vào cổng, con nhảy chân sáo theo sau. Càng thấy con vô tư, mẹ càng lo lắng cho con. Nếu không nói rõ, mẹ sợ con sẽ lặp lại chuyện này thêm lần nữa. Kéo con ngồi xuống ghế đá giữa sân trường, mẹ dặn dò: "Bin! Con nghe này. Thứ nhất, mẹ không muốn con nghe lỏm chuyện của người lớn rồi đi nói lại với ai khác. Thứ hai, nếu bác Hai hay ai hỏi trong nhà mình có máy tính bảng không, có điện thoại di động không thì con phải nói không có". Bin ngạc nhiên hỏi lại: "Sao vậy mẹ? Sao mình phải nói là không có?".


Mẹ lưỡng lự một chút rồi nói thật: "Vì mẹ sợ người ta dòm ngó rồi có ý xấu. Mà con biết ý xấu là gì không?". Con lắc đầu tỏ vẻ không biết, mẹ nói tiếp: "Ý xấu là sau khi biết mình có tài sản gì đắt tiền, người ta sẽ tìm cách lấy đi mà không hỏi ý hay xin phép mình". Con trai ngập ngừng hỏi tiếp: "Vậy bác Hai hỏi mình cũng nói là không có hả mẹ?". Thoáng ngần ngại, mẹ gật đầu: "Đúng vậy! Con chỉ cần nói không có là được. À, mà nếu bác Hai kêu con lấy gì trong nhà đưa cho bác thì con phải hỏi mẹ trước nhé!". Con gật đầu, ánh mắt nhìn mẹ rất hoang mang. Mẹ cười, ôm con chặt vào lòng, thật ra mẹ cảm thấy hoang mang không kém.


Mẹ đang dạy con cái gì thế này? Việc mẹ làm có phải là đang bảo vệ con? Hay chính mẹ đang đầu độc một tâm hồn ngây thơ bằng những toan tính của người lớn? Trao con cho cô giáo xong, mẹ quay đi với những bước chân nặng trĩu.


Theo phunuonline