Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhức nhối lao động trẻ em


Do hoàn cảnh, nhiều trẻ thiếu sự chăm sóc nuôi dạy của cha mẹ phải "lăn" vào đời sớm bằng việc làm thuê làm mướn.


Trẻ vị thành niên lao động trong một tiệm massage


Vất vả mưu sinh
Bên cạnh những trẻ tranh thủ ngoài giờ học có nhiều đứa trẻ lấy công việc bán vé số "khởi nghiệp" để mưu sinh. Đó cũng là hình ảnh những cậu bé cần mẫn xách thùng gỗ giữa nắng trưa gay gắt tìm những khách sang để mong có được 20.000 đồng từ công việc đánh giày. Không ít người lớn xót xa và chạnh lòng vì lẽ ra ở độ tuổi vị thành niên giờ này các em đang được vui chơi, học tập với bạn bè trong một ngôi trường nào đó. Trước tiệm sửa xe S.T gần chợ Bình Triệu, Q.Thủ Đức có một "ông thợ" sửa xe chỉ mới 14 tuổi. Không cần hỏi thăm chỉ nhìn ngoại hình còi cọc của C. khách vào sửa xe đều biết "ông thợ" còn ở độ tuổi vị thành niên. Tuy là thợ phụ nhưng C. phải làm hết mọi việc từ bơm bánh xe, vá đến cả tăng - đưa sên, chỉnh thắng... Sáng ăn vội gói xôi đợi đến trưa ông chủ mua cho một hộp cơm, lúc đó cậu bé mới được vài phút thư giãn. Thế mà lâu lâu, cậu ta vẫn bị cha con ông chủ quát mắng là chậm chạp và khờ khạo.


Tại một xưởng làm hoa thủ công trên đường Lê Đức Thọ, P.13, Q.Gò Vấp ngày nào cũng có một nhóm trẻ đến để làm các công đoạn kết những cành hoa xuất khẩu. Đa số "công nhân" là các bé gái độ tuổi 10 đến 15. Chị V. chủ nhà cho biết, hầu hết các cháu là dân nhập cư theo cha mẹ từ miền Trung vào, khó khăn về kinh tế nên đều "đẩy" con em mình vào con đường mưu sinh cùng với bố mẹ.


Vòng tay rộng mở

Tại Hội nghị về các vấn đề trẻ em do Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp khẳng định, nhiều tổ chức quốc tế coi lao động trẻ em là bóc lột, pháp luật trên thế giới cấm lao động trẻ em. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ nghèo đói cao và cơ hội đến trường kém là nguyên nhân làm cho lao động trẻ em ngày càng phổ biến. Theo bà Lương Thị Thuận - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM, tại các TP lớn như TP.HCM số lao động trẻ em khá lớn và biến động không ngừng với nhiều lý do khác nhau. Bà Thuận đề nghị, để giúp đỡ các em, các ban ngành phải giám sát lực lượng lao động tại các doanh nghiệp và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần bổ sung một số quy định bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, trước mắt đảm bảo tinh thần sức khỏe các em nếu có tham gia lao động.
Theo quyền trẻ em, hơn ai hết cha mẹ là người đứng ra chịu trách nhiệm dân sự về những hành vi của con em mình, nếu cha mẹ trốn tránh trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, ngược đãi hoặc lôi kéo, xúi giục trẻ em phạm tội sẽ bị xử lý hành chính hoặc có thể truy tố trước pháp luật. Theo bà Thuận, khó khăn hiện nay của các TP lớn là có nhiều trẻ nhập cư theo gia đình, đây là gánh nặng cho ngành giáo dục, y tế và trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội. Gần đây, có rất nhiều chương trình khởi động tại TP.HCM để bảo vệ chăm sóc quyền lợi trẻ em lao động sớm mà tiêu biểu là dự án Quyền của trẻ em có hoàn cảnh nhập cư tại TP.HCM của Hội Hữu nghị Đan Mạch - Việt Nam với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng với các nội dung: Giáo dục cơ bản và đào tạo nghề cho trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng các lớp học tình thương cho trẻ từng bỏ học để có thể theo kịp chương trình và tiếp tục học các lớp chính quy; trợ cấp học nghề cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn... Đây là tín hiệu vui đối với những trẻ phải mưu sinh từ nhỏ tại TP.HCM.


Theo Báo Giáo Dục