Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lưu lại để đọc sau Dinh dưỡng từ quả táo với bé


Táo tây là một trong số những loại quả phổ biến và được nhiều bé yêu thích. Táo có nhiều chất chống oxy hóa không chỉ tốt cho sức khỏe của bé mà còn giúp bé tránh bệnh tật.


Lợi ích sức khỏe của quả táo với bé
Các nghiên cứu cho thấy, thành phần dinh dưỡng trong quả táo cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển của bé và giúp bé luôn mạnh khỏe.


Táo rất ít kalo, 100g táo tươi chỉ cung cấp khoảng 50 kalo. Táo không chứa chất béo bão hòa hay cholesterol nên tốt cho các bé, kể cả bé đang thừa cân, béo phì. Chất xơ có trong táo giúp ngăn chặn cơ thể của bé hấp thu các cholesterol xấu.


Táo rất giàu các chất chống oxy hóa, đặc biệt là các chất phyto-flavonoids và polyphenolic. Một số flavonoid quan trọng trong táo là quercetin, epicatechin, procyanidin và B2. Ngoài ra, trong táo còn có axit tartaric tạo nên vị chua chua của táo. Tất cả những chất này giúp bảo vệ cơ thể bé khỏi những gốc tự do, tránh được bệnh tật.


Táo có chứa hàm lượng lớn vitamin C và beta - caroten. Vitamin C là chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh mẽ. Cho bé ăn những loại quả giàu vitamin C tức là giúp cơ thể bé tăng sức đề kháng, hạn chế bị bệnh.


Táo còn là loại quả cung cấp các loại vitamin B-phức hợp như riboflavin, thiamin, pyridoxine (vitamin B6).


Táo cũng có lượng nhỏ các chất kali, phôt pho, canxi cần cho cơ thể bé. Kali sẽ giúp bé có hệ tim mạch và huyết áp khỏe mạnh, tránh mọi ảnh hưởng xấu từ muối natri.


Chọn mua và bảo quản
Mẹ nên chọn mua táo tây ở những địa chỉ uy tín để đảm bảo chất lượng và nguồn gốc của táo. Nếu có thể nên chọn mua những quả táo được chứng nhận là có nguồn gốc hữu cơ. Mẹ nên chọn những quả táo còn tươi, vỏ sáng tươi, cầm chắc tay. Tránh những loại quả có vết bầm dập, thâm tím.


Táo tươi có thể bảo quản ở nhiệt độ thường bên ngoài vài ngày và trong tủ lạnh 2-3 tuần.


Cho bé ăn táo
Mẹ nên rửa táo dưới vòi nước đang chảy để loại bỏ vi khuẩn, dư lượng thuốc trừ sâu trên quả táo. Sau đó, gọt vỏ sạch rồi mới cho bé ăn. Tùy từng độ tuổi, mẹ hãy xay nát, cắt miếng hạt lựu hay bổ miếng, thái lát mỏng cho bé ăn.


Táo bổ ra mà chưa ăn ngay có thể chuyển màu thâm nâu do tiếp xúc với không khí. Để táo trắng lại, mẹ hãy rửa táo với chút nước chanh.


Mẹ có thể ép nước táo cho bé uống thường xuyên hoặc dùng táo làm bánh cho bé ăn.


Theo mevabe