Một thực tế phổ biến hiện nay là nhiều trường mầm non đều cắt xén chương trình mẫu giáo để dạy chữ, dạy toán cho các cháu. Thế là những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi đã phải cắt bỏ phần lớn các hoạt động "chơi mà học" phù hợp với tâm lý lứa tuổi và cần thiết cho sự phát triển toàn diện của mình, để gò lưng học những điều mà các cháu chưa cần phải học và chưa đủ độ phát triển để tiếp thu tốt. Chúng ta đều biết rằng hoạt động chủ đạo để phát triển của trẻ ở tuổi mẫu giáo là vui chơi chứ không phải là học; và các cháu sẽ không thể phát triển tốt cả về tâm lý, tình cảm, trí tuệ lẫn các kỹ năng vận động cần thiết cho cuộc sống tương lai, nếu không được chơi và không được tổ chức vui chơi cho tốt. Cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một nhà tâm lý học bậc thầy, đã ví sự gò ép này với việc giú ép trái cây. Với những trẻ mẫu giáo học trước chương trình, ngoài việc óc quan sát, trí tưởng tượng, sáng tạo, khả năng tư duy độc lập... không phát triển tốt do thiếu các hoạt động vui chơi bổ ích ở lớp mẫu giáo, khi lên lớp 1 các cháu sẽ mất hứng thú học tập do phải học lại những điều đã học, sẽ trở nên chủ quan, thiếu tập trung chú ý, hay nói chuyện, chọc phá bạn trong giờ học và không xây dựng được nề nếp học tập tốt. Thế là các cháu sẽ phải lãng phí đến hai lần, mà cả hai đều ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng học tập trong tương lai. Thế thì cũng như dạy thêm, học thêm tràn lan đang là vấn nạn của nền giáo dục nước nhà, tình trạng dạy và học trước chương trình ở bậc mẫu giáo đã trở thành sự bất hợp lý chẳng đặng đừng. Để góp phần chấm dứt tình trạng này mà lứa tuổi mầm non đang gánh chịu vừa nêu, chúng tôi xin đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhằm triệt để chấm dứt tình trạng dạy trước chương trình ở bậc mẫu giáo. Không thể duy trì tình trạng các trường mầm non "xé rào" như hiện nay. PHAN HIỀN (Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM) |