Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Quy định về xếp lương khi chuyển loại công chức, viên chức


Tôi hiện đang là giáo viên mầm non của một trường công lập thuộc tỉnh Bình Dương. Tôi ra trường và công tác trong ngành được 17 năm.


Năm 2007 tôi đi học lớp Cao đẳng tại chức và được chuyển lương sang ngạch lương 15a206. Năm 2013 theo nâng lương định kỳ thì mức lương hiện tại của tôi là 3,34 và thời điểm tính nâng lương lần sau là tháng 12/2013.


Những năm gần đây tôi có tham gia lớp Đại học tại chức chuyên ngành Sư phạm mầm non. Hiện tại tôi đã học xong và đang chờ lấy bằng.


Xin hỏi quý Báo: Nếu tôi lấy bằng về và nộp bằng Đại học vào thời điểm này để chuyển sang ngạch 15a205 thì mức lương của tôi được hưởng là như thế nào? Thời điểm tính nâng lương lần sau của tôi sẽ được tính như thế nào? - Dương Nguyễn (thuyduongkhoaitay@gmail.com).


* Trả lời:
Theo thư bạn viết, chúng tôi có thể hiểu là bạn đang quan tâm đến quy định về xếp lương khi chuyển loại công chức, viên chức. Vì vậy chúng tôi đưa ra một số thông tin để bạn có thể tham khảo.


Trước hết bạn có thể đọc và nghiên cứu kỹ Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi chuyển loại công chức, viên chức.


Theo Khoản 3, Mục II Thông tư này hướng dẫn: Trường hợp công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn và điều kiện được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển loại công chức, viên chức từ loại A0 sang loại A1; từ loại B, loại C sang loại A (gồm A0 và A1) hoặc từ loại C sang loại B, thì thực hiện như cách xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư này.


Theo điểm a, khoản 1, Mục II Thông tư nêu trên hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức, trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.


Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.


Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.


Theo GD&TĐ