Cuộc đua hàng hiệu và giấc mộng "con tiên" của các bà mẹ "Cho con những gì tốt nhất" là lý do quá thuyết phục để những bà mẹ sắm sửa, chưng diện cho bé. Thế nhưng, những chải chuốt ấy lắm khi lại đem đến những trải nghiệm không mấy lành mạnh đối với tính cách, nhận thức của trẻ. Giấc mộng "con tiên" Như bao bà mẹ trẻ, từ lúc mang thai, "công cuộc" làm điệu cho con của chị Tố Nhiên (Q.3, TP.HCM) đã thực sự bắt đầu. Nghĩ rằng sẽ "ở cữ" mấy tháng sau sinh, chị Nhiên mua hờ, mua... trừ hao hàng tá quần áo, đủ các cỡ cho con. Từ tã, vớ, yếm, áo quần, giày dép, đến cửa hàng nào chị Nhiên cũng hỏi mua loại tốt nhất. Mớ quần áo trẻ em của chị chồng mang cho, chị Nhiên xếp cất hết vào chiếc tủ cũ: "Mấy món hàng nội, chẳng biết chất lượng thế nào...". Đến tuổi biết đi, Nam An (con trai chị Nhiên) trở thành nam người mẫu của mẹ, với đủ "xì-tai", từ thơ trẻ đến lịch lãm, bụi bặm. Hôm nay "xì-tai" này, ngày mai nhất định phải đổi khác. Đã thế, hễ thấy mấy tiêu đề kiểu "Con trai siêu đáng yêu của diễn viên X" trên mạng, chị lại vội vã vào xem để học cách diện đồ cho con. Những câu trầm trồ kiểu "thằng nhỏ sành điệu quá", hoặc "con chị đẹp như diễn viên Hàn Quốc" khiến chị... "sướng phát điên", rồi tiếp tục sa vào những cơn cuồng con, cuồng mua sắm. Vậy mà mới đây, cả nhà chị Nhiên một phen khủng hoảng, vì Nam An... không lọt vào danh sách các bạn tham gia biểu diễn thời trang của lớp. Ấm ức, tức giận, cu cậu liên tục la khóc, đổ lỗi cho mẹ; rồi cự nự, không chịu tắm rửa, ăn uống. Sáng hôm sau, Nam An vùng vằng, hất tung bộ quần áo mẹ cẩn thận chọn cho, rồi lầm lì không chịu đến trường. Sẵn bực bội, tức tối, chị Nhiên trút hết lên con bằng một trận đòn, khiến cả hai mẹ con cùng bỏ học, nghỉ làm hôm ấy. Lúc vừa chuyển nhà, chuyển trường cho con về huyện Hóc Môn để tiện công tác, chị Thanh Hiền gặp chuyện khó xử, khi sau một buổi học, cô con gái học lớp 1 thẳng thừng tuyên bố: "Cả lớp con chẳng bạn nào chơi được!". Kiên nhẫn hỏi thêm, chị được cô con gái xinh xắn giải thích: "Bạn nào cũng xấu, mà lại quê mùa, chơi cùng không vui!". Quả thực, ngày đầu đưa con đến lớp, chị Hiền cũng khá hụt hẫng khi thấy con mình như "đi lạc" giữa những đứa trẻ hồn nhiên, giản dị. Mấy năm gửi con vào một trường mầm non tư thục ở nội thành, chị quen với việc chăm chút cho con từ tóc tai đến giày dép, áo quần. Sắm sửa cho con, chị chỉ tìm đến những thương hiệu uy tín, cốt sao cho những bộ cánh của con phải đẹp nhất, xịn nhất. Lên bốn, Khoai Tây đã là một cô bé sành điệu. Dắt con theo trong những buổi mua sắm, chị Hiền để con đi trước, tha hồ lựa chọn những món mình thích. Việc sắm sửa cho con trở thành nhu cầu bản thân, cứ một thời gian, chị Hiền lại mang con đi đổi kiểu tóc, hoặc thay bộ trang sức mới. Mới sáu tuổi, nhưng nhiều mốt uốn, duỗi, nhuộm, Khoai Tây đều thử qua. Đã thế, những món nhẫn, khuyên tai, dây chuyền nhỏ xíu mỗi mùa mỗi khác cũng khiến cô bé tự hào, thích thú. Tốn một khoản tiền không nhỏ cho việc chưng diện của con, nhưng chị Hiền hài lòng: "Những cú mà đẻ được con tiên, đầu tư bao nhiêu cũng đáng đồng tiền". Những biểu hiện kén chọn, khắt khe của con khiến chị tự hào, vì "bé tí đã có khiếu thẩm mỹ". Chỉ đến khi thay đổi môi trường học tập của con, chị mới giật mình. Thế nhưng, chưa kịp điều chỉnh, chị đã phải trả giá bằng cú sốc của con trong việc thích nghi với trường lớp, bạn bè. Lợi bất cập hại Việc đầu tư ngoại hình quá mức cho con là một tâm lý rất đỗi bình thường, khi đứa con trở thành niềm tự hào, thành "gương mặt đại diện" của các bà mẹ trẻ. Tuy nhiên, sự quá đà xuất phát từ tình thương yêu ấy lắm khi phản tác dụng, khiến đứa trẻ phụ thuộc, dẫn đến những lệch lạc trong nhận thức, lối sống ngay từ lúc chưa trưởng thành. Chị Tố Nhiên chia sẻ, để cùng con vượt qua cú sốc "không được chọn làm người mẫu thời trang", bản thân chị cũng phải tỉnh táo để nhận thấy những diễn biến sai lệch trong nhận thức của con về bản thân, dần dần giải thích cho cậu bé. Chị tin rằng, chính cuộc đua thời trang chị kéo con theo suốt thời thơ ấu đã gieo trong đầu Nam An ý nghĩ mình là số một, để rồi nảy sinh tâm lý bất bình, uất ức khi vô tình bị cô giáo phủ nhận điều ấy. Theo chuyên viên tâm lý Lê Khanh (Phó giám đốc chuyên môn, Trung tâm tư vấn tâm lý - đào tạo kỹ năng Rồng Việt Vũng Tàu), hiện nay, các game show, các cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ em là yếu tố kích thích một "cuộc đua hàng hiệu cho bé" ở các bậc phụ huynh. Thực tế, hành động khoác một bộ đồ ưng ý lên người con của các bà mẹ luôn đi kèm với những lời trầm trồ, thán phục; tạo cho đứa trẻ thói quen được ca ngợi. Những khen chê trang phục có thể định hình một hệ giá trị mơ hồ trong lòng đứa trẻ về bản thân, về người khác. Bởi thế mới có chuyện, tùy theo trang phục mà "bạn này thì đáng chơi, bạn kia thì không đáng". Hoặc, mặc thế này thì mới tự tin ra đường, còn thế khác thì không. Hiện nay, những cô cậu "có gu" như bé Khoai Tây không hiếm. Đứa trẻ trở nên kén chọn, khắt khe, rồi vui-buồn, tự tin-mặc cảm tùy vào những món đồ được mặc. Đến khi chọn được bộ cánh đẹp, được ngợi khen, đứa trẻ dễ thấy mình là trung tâm. Sự nổi bật quá đà cùng thái độ kiêu kỳ dễ khiến những cô cậu "sành điệu" bị cô lập, đánh mất những trải nghiệm quý giá cùng bạn bè. Hơn nữa, sự nhầm lẫn giá trị, sự "ngộ nhận đẳng cấp" này, nếu không được các bậc phụ huynh tỉnh táo nhìn nhận, điều chỉnh, dễ dẫn đứa trẻ đến một đường đua nối dài bất tận. Đã thế, việc người lớn dễ dàng bỏ những món tiền để làm đẹp cho mình còn tập cho trẻ thói quen tiêu xài, chiều chuộng bản thân. Chưa kể những nguy cơ ở tương lai, việc sắm sửa quá tốn kém cho trẻ sẽ chiếm một khoản chi tiêu đáng kể. Quần áo qua một mùa đã không còn vừa vặn, chưa kịp cũ đã phải vứt đi. Mặt khác, sự sang trọng, cầu kỳ thể hiện qua trang phục còn khiến đứa trẻ bị kẻ gian dòm ngó, dễ trở thành nạn nhân của các vụ trộm cướp, bắt cóc tống tiền. Đừng để phải đối mặt với những hiểm họa ấy, chỉ vì muộn màng nhận ra mặt trái của "đôi cánh thiên thần".
Theo Theo Phụ nữ Online / Trí Thức Trẻ
|