Điểm danh các lỗi sai của mẹ khi cho trẻ ăn rau Để cho bé có thể hấp thụ tốt các vitamin và khoáng chất trong rau, các mẹ cần tránh các thao tác dưới đây. Rau xanh chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, vì vậy đây là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của bé. Tuy nhiên, do một số sai lầm của mẹ trong khi chế biến mà món rau vô tình bị mất đi các chất dinh dưỡng. Dưới đây là một số lỗi mà mẹ cần phải tránh trong quá trình chế biến rau cho bé. 1. Thời gian xào, nấu, luộc quá lâu Nhiều bà mẹ khi luộc rau cho con, vì muốn rau mềm hơn nên sau khi rau sôi đã không vớt ra, thay vào đó họ để rau trong nồi và đậy vung một lúc cho rau mềm. Đây là một phương pháp làm mềm rau phản khoa học, bởi lẽ khi làm như vậy, không những sẽ làm mất đi chất dinh dưỡng của rau. Bởi các vitamin có trong rau củ rất dễ mất, nếu được đun nấu dưới ngọn lửa nhỏ trong thời gian dài, nó rất dễ bị phân hủy.
Do đó, các chuyên gia khuyên các mẹ không nên nấu quá lâu, trong quá trình nấu cũng không nên khuấy nhiều lần. Đặc biệt, không nên hâm các món canh, xào nhiều lần vì 90% vitamin B và C sẽ mất đi khi rau bị nấu quá nhừ. Do quá trình xào rau thường làm mất nhiều vitamin hơn luộc nên khi xào, lưu ý cho lửa to, đảo thật nhanh và đều tay. Khi chế biến những loại rau lá xanh không nên nấu quá lâu. Nếu không, nitrate sẽ chuyển biến thành nitrit nitrat, dễ làm cho ngộ độc thực phẩm cho trẻ em. Đặc biệt, các loại rau đông lạnh càng không nên nấu quá lâu, nếu không sẽ làm mất đi khá nhiều dinh dưỡng. 2. Tích trữ nhiều rau xanh trong tủ lạnh Để tiết kiệm thời gian, nhiều mẹ có thói quen đi chợ một lần cho cả tuần, mua đủ loại thực phẩm và rau quả về tích trữ đầy trong tủ lạnh. Với cách làm này các mẹ có thể tiết kiệm thời gian nhưng lại không biết rằng rau xanh càng để lâu càng mất đi nhiều dinh dưỡng. Những loại rau có lá như mồng tơi, rau ngót, rau cải, rau muống... đều không nên bảo quản trong tủ lạnh, lá sẽ nhanh bị khô và thối hỏng.
Không những vậy, nhiều mẹ còn hay cắt gọt, rửa rau củ sạch sẽ rồi lại cho vào tủ lạnh để lần sau nấu cho tiện. Tuy nhiên các mẹ cần biết rằng rau củ đã chẻ, cắt, nhặt... sẽ hư nhanh hơn so với rau, củ được giữ nguyên dạng khi cho vào tủ lạnh. Các nghiên cứu cho thấy rau rửa sạch để trong tủ lạnh cũng mau hỏng, còn để bên ngoài một ngày thì lượng vitamin C mất đi 26%; vitamin hao hụt khi rửa mất 1% nhưng cắt nhỏ để lâu sẽ mất 14%. Vì vậy mẹ cần hạn chế để rau xanh lưu cữu. Nếu mẹ không có thời gian đi chợ mua rau tươi thì nên chọn những nơi trữ rau thoáng khí, tránh sáng và khô ráo hơn là trữ trong tủ lạnh. 3. Cắt, thái xong rau mới rửa Nhiều mẹ lo sợ rằng hóa chất, bụi bẩn có trong rau không được loại bỏ hết nên đã cẩn thận cắt thật nhỏ rau rồi mới rửa. Tuy nhiên đây là một cách làm sai khoa học. Muốn giữ được vitamin ở mức nhiều nhất thì khi nhặt rau, rửa rau để nấu cần phải làm càng nhanh càng tốt. Rửa sạch rau trước khi thái nhỏ vì nếu thái rồi mới rửa thì một số vitamin sẽ bị tan nhiều trong nước. Rau làm xong phải nấu ngay, càng để lâu càng mất nhiều vitamin C. Sau 4 giờ mất hết 20%, khi thái nhỏ thì mất tới 35% sau 1 giờ. Bên cạnh đó, các mẹ nên nhớ kỹ khi luộc rau, nấu canh, nên cho rau vào khi nước đã sôi, nếu cho rau ngay từ lúc nước lạnh sẽ mất đi phần lớn lượng vitamin. Cụ thể, khoai tây cho vào nồi khi nước lạnh mất tới 40% vitamin C, trái lại khi bỏ vào nước đã sôi chỉ mất 10%. 4. Cho con ăn các loại củ thay cho rau lá Trẻ con có xu hướng thích ăn các loại củ quả hơn là các loại rau có lá xanh. Tuy nhiên mẹ cần nhớ trong các loại rau lá xanh có chứa nhiều loại vitamin hơn trong củ quả. Vì thế mẹ hãy chế biến các món từ rau lá xanh thật phong phú, hấp dẫn, kết hợp màu sắc ngon mắt thì chắc chắn bé sẽ ăn thun thút ngay. 5. Cho trẻ ăn quá nhiều rau Rau là loại thức ăn cần thiết cho sự phát triển thể lực và trí lực của bé, tuy nhiên nếu mẹ quá lạm dụng lợi ích này mà cho con ăn một cách "vô tội vạ" thì sẽ không tốt. Trẻ ăn quá nhiều rau sẽ gây cản trở sự hấp thu canxi và kẽm trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến sự phát triển thông minh và sự phát triển xương. Điều này đặc biệt có hại cho trẻ em trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển. Một số loại rau như rau bó xôi, cần tây, cà chua, chứa một số lượng lớn axit oxalic, khi kết hợp với canxi có trong các loại thực phẩm khác sẽ kết thành sỏi canxi oxalate. Rau là loại thức ăn cần thiết cho sự phát triển thể lực và trí lực của bé, tuy nhiên nếu mẹ cho con ăn nhiều quá cũng không tốt (Ảnh minh họa) 6. Cho trẻ ăn nhiều loại rau củ sống Rau tươi và ăn sống bao giờ cũng nhiều dưỡng chất hơn các loại rau đã nấu chín. Cho bé ăn các loại rau củ đã rửa sạch và chưa qua chế biến như dưa chuột, cà rốt, cà chua... sẽ giúp làm phong phú thực đơn cho bữa rau của bé. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó nên mẹ đừng dại cho bé ăn quá nhiều loại rau củ sạch chưa qua chế biến. Bởi bộ máy tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, không thể tiêu hóa nhiều những loại thực phẩm tươi sống này. Cho bé ăn nhiều rau sống có thể khiến bé bị tiêu chảy hoặc làm rối loạn bộ máy tiêu hóa. 7. Chế biến rau sau đó để qua ngày Không phải bé nào cũng thích và chịu ăn rau, dù rau xanh là đồ ăn không thể thiếu trong thực đơn của bé. Nhiều mẹ kỳ công chế biến thành những món ăn hấp dẫn khác nhau nhưng bé vẫn nhất định không chịu ăn. Tiếc công, tiếc của, nhiều mẹ bỏ đồ ăn vào tủ lạnh và quyết tâm bắt bé ăn bằng được vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, cho dù bé chịu ăn vào bữa khác thì các vitamin B, C trong rau cũng giảm đến 70%, đó là còn chưa kể đến việc đồ ăn để qua ngày sẽ không đảm bảo vệ sinh. Do đó, mỗi lần nấu rau cho bé, mẹ nên tính toán cẩn thận lượng bé sẽ dùng. 8. Rau nào cũng có thể được dùng để nấu soup Nấu soup cũng là cách giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn với việc ăn rau. Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ nhắc nhở các mẹ, đó là không phải loại rau nào mẹ cũng có thể dùng để nấu soup cho trẻ ăn bởi một số loại rau có chứa hàm lượng acid oxalic như cải bó xôi, hành tây... có thể gây ảnh hưởng tới sự hấp thụ canxi của trẻ. 9. Sử dụng quá nhiều cà rốt Mặc dù cà rốt rất tốt cho sức khoẻ của bé, tuy nhiên các mẹ không nên quá lạm dụng. Ăn nhiều cà rốt có thể khiến bé bị thiếu máu, do đó bé dễ mắc bệnh vàng da, chán ăn, tâm thần bất ổn, bồn chồn và khó ngủ. Thậm chí, ban đêm bé còn hay giật mình, sợ hãi, khóc và nhiều triệu chứng nữa. Các chuyên gia cho rằng nên bổ sung lượng cà rốt hợp lý, mỗi ngày không nên quá 5mg. Ăn như vậy mới có tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào gây ung thư.
Theo Thanh Loan (Khám phá)
|