Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

7 kỹ năng sinh tồn quan trọng nhất thiết phải dạy trẻ


Mẹ luôn cố bảo vệ và che chở con bằng mọi cách. Nhưng cách tốt nhất để trẻ tồn, vượt qua hiểm nguy chính là trang bị cho con những kỹ năng "sống sót".

Dạy trẻ kỹ năng sinh tồn là một việc làm rất cần thiết trong xã hội đầy những thử thách, biến động ngày nay vì trẻ càng được trải nghiệm nhiều kỹ năng thì trẻ càng thích nghi tốt với cuộc sống bấy nhiêu.

1. Dạy con biết cấp cứu khi gặp nạn

Dạy cho trẻ gọi cấp cứu và phải làm gì trong trường hợp có tai nạn nghiêm trọng xảy ra là một điều rất cần thiết. Ở các nước tiên tiến, chương trình học của trẻ có những bài ngoại khóa hướng dẫn vấn đề này tùy theo từng lứa tuổi. Biết cách gọi cấp cứu là một hành động đơn giản để đứa trẻ được cứu sống. Các cháu có thể phản ứng rất hiệu quả thật sớm khi gặp tai nạn nếu được dạy phải hành động thế nào.

Trong nhà, bố mẹ nên dán số điện thoại cấp cứu ở một chỗ dễ nhìn để đảm bảo trẻ có thể nhìn thấy khi cần thiết. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần học và dạy con một số động tác xử lý như cầm máu, chăm sóc vết bỏng... để cứu mình và người khác. Đồng thời trước những tình huống này, con nên kêu gọi sự cứu giúp của những người xung quanh. Nếu thấy bố mẹ có hiện tượng bất thường, sau khi đã gọi cấp cứu con cũng cần lớn tiếng hô hào để nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm.

 

Nếu thấy bố mẹ có hiện tượng bất thường, sau khi đã gọi cấp cứu con cũng cần lớn tiếng hô hào để nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm (Ảnh minh họa)

 

2. Dạy con cách vượt qua hiểm nguy

Khi con lớn lên, cha mẹ sẽ không thể có thời gian giám sát con suốt ngày đêm. Dạy con các kỹ năng thoát hiểm và cách phòng tránh tai nạn trong nhà là việc quan trọng hàng đầu. Hỏa hoạn, ngập lụt, động đất... là những dạng tai họa mà không ai có thể nói trước. Dạy con cách ứng phó với những tai nạn này ngay từ nhỏ sẽ giúp bố mẹ phần nào yên tâm hơn.

Ở nước ngoài, việc dạy trẻ cách đối phó với các tình huống như hỏa hoạn, động đất... rất được quan tâm. Đó là lí do dễ hiểu khi chúng ta có thể nhận thấy khả năng bản ứng của các bé Tây trước các tình huống này thường rất nhanh nhạy.

Tai nạn thường gặp nhất là trẻ bị đuối nước. Để phòng ngừa điều này, khi trẻ khoảng 5 - 6 tuổi, mẹ hãy cho trẻ học bơi. Bên cạnh đó, hãy dạy cho con những kỹ năng như khi lạc cha mẹ trẻ phải xử trí thế nào; khi bị người khác dụ dỗ, mời đồ ăn thức uống phải thế nào...

Một điều quan trọng khi dạy con cách vượt qua hiểm nguy mà bố mẹ cần biết đó là cho con biết mọi thông tin liên lạc của bố mẹ và các số điện thoại khẩn cấp cần thiết. Hãy nhắc nhở con cẩn thận rằng bất cứ khi nào gặp nguy hiểm, đi lạc hãy biết tìm cách giúp đỡ từ những người đáng tin cậy.

3. Dạy con cách đối phó với người lạ

Hiện nay có rất nhiều trường hợp giả làm người quen của bố mẹ lân la trò chuyện với trẻ rồi bắt cóc hoặc có những hành vi đồi bại. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho trẻ, cha mẹ cần hết sức lưu ý dặn trẻ không được tiếp xúc với người lạ. Để tránh làm bé hoảng sợ, cần nhấn mạnh người lạ là người mà mình chưa biết là tốt hay xấu nên vẫn phải giữ khoảng cách như không đi theo họ, không ăn thứ gì mà họ đưa cho...

Khi gặp người lạ dụ dỗ, bé hãy biết tìm đúng người để nhờ giúp đỡ (Ảnh minh họa)

 

Để con hiểu rõ hơn vấn đề, bố mẹ hãy tự dựng lên cho con một số tình huống khi gặp người lạ để từ đó cho trẻ biết cách phản ứng và hành động đúng nhất. Giới hạn cho trẻ những người mà trẻ có thể tin tưởng (như bố, mẹ, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột của bé), ngoài ra không đi theo hoặc nghe lời của bất cứ ai khác nếu không được bố mẹ dặn dò.

4. Dạy con kỹ năng sử dụng các vật dụng nguy hiểm

Đây là một điều quan trọng khi dạy trẻ kỹ sinh tồn. Trẻ nhỏ luôn luôn hiếu động, tinh nghịch nên khó tránh việc xảy ra những điều đáng tiếc. Người lớn đừng nghĩ trẻ chỉ có thể gặp nguy hiểm ở bên ngoài mà không biết rằng ngay tại trong nhà trẻ cũng có thể bị thương.

Trong nhà ai cũng có vô khối các vật dụng nguy hiểm như dao, kéo, kim... Khi người lớn không có mặt, trẻ có thể lôi mấy thứ đó ra chơi và sẽ gây hại cho chính chúng và người khác. Dạy con sử dụng đúng cách, không gây sát thương cho bản thân và người khác là việc mà cha mẹ cần quan tâm ngay từ khi con mới 4, 5 tuổi. Dạy con làm từ từ từng việc một và dưới sự quan sát của cha mẹ sẽ giảm thiểu tác hại.

Bên cạnh dạy con biết sử dụng các vật sắc nhọn trong nhà, bố mẹ cũng cần chỉ cho trẻ biết những đồ gì tuyệt đối không được động đến khi bố mẹ vắng nhà như ổ điện, lửa, phích nóng, ...

5. Dạy con biết quản lý tiền

Dạy con biết quản lý tiền là một việc vô cùng quan trọng mà các bậc phụ huynh không thể xem nhẹ. Bố mẹ đừng ngần ngại khi phải đưa tiền cho trẻ ngay từ nhỏ, hãy tập thói quen cho con biết tiêu tiền ngay khi con biết nhận thức rõ giá trị của đồng tiền. Hãy bắt đầu bằng việc đưa ra trợ cấp cho con. Tuy nhiên, cần phải cho trẻ biết rằng, tiền không thể tự do chi tiêu theo ý muốn, hãy dạy trẻ cách tiêu tiền một cách hợp lý. Để làm được như vậy, chính bản thân bố mẹ phải là tấm gương cho con, trẻ sẽ quan sát việc chi tiêu của người lớn và xem chúng ta có làm những gì mà bạn nói không.

Dạy con biết quản lý tiền là một việc vô cùng quan trọng mà các bậc phụ huynh không thể xem nhẹ (Ảnh minh họa)

 

6. Dạy trẻ tự lo được cho mình

Dạy trẻ tự lo cho mình hay nói cách khác là dạy trẻ biết làm việc nhà, dạy trẻ biết tự lập. Hiện nay có quá nhiều bố mẹ yêu chiều con nên cố gắng hay con làm tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn. Hậu Kết quả của việc đó là nhiều trẻ 7 - 8 tuổi ăn cơm mẹ vẫn đút, 10 tuổi vẫn được mẹ tắm cho. Thậm chí không ít em, đến 18 tuổi, tốt nghiệp phổ thông rồi vẫn phải bố mẹ đưa đi học, rồi không biết nấu cơm khi mẹ vắng nhà.

Những trường hợp trên không phải là ít, và phổ biến ở gia đình thành phố. Bố mẹ với tư tưởng cần cho con nhiều thời gian để học tập nên không hề bắt con động tay đến một việc gì trong nhà, bàn tay của các con chỉ cần cầm bút không cần động đến các việc khác. Nhưng bố mẹ có biết làm như vậy không hề tốt cho con, ngược lại nó sẽ gây hại khôn lường. Trẻ không có khả năng tự lập không những mất tự tin mà còn luôn cảm thấy phụ thuộc vào cha mẹ.

Trẻ được nuông chiều từ nhỏ dễ nảy sinh tính ích kỷ, luôn coi mình là trung tâm, muốn mọi người phải ưu tiên, chăm sóc cho mình trước nhất. Để giúp con không bị bỡ ngỡ với cuộc sống xa gia đình sau này bố mẹ hãy dạy con biết tự lo cho bản thân mình ngay từ khi còn nhỏ. Với mỗi độ tuổi của con, người lớn hãy dạy con biết làm những việc đơn giản nhất.

7. Dạy con biết đưa ra các lựa chọn khôn ngoan

Đây là một điều quan trọng khi dạy trẻ kỹ năng sinh tồn. Khi con lớn lên, con cần có sự lựa chọn, chính kiến và quyết định riêng của bản thân mình. Tuy nhiên, có một số trường hợp, sự lo lắng, chăm sóc "quá kỹ" từ mẹ đã vô tình khiến cho trẻ có cảm giác bị cấm đoán nên hầu như không còn có sự tự do của riêng mình, không còn có được sự độc lập trong suy nghĩ và hành động.

Trên thực tế, không ít bậc phụ huynh thường can thiệp rất nhiều vào chuyện học hành, sinh hoạt của con. Đôi khi việc bố mẹ cấm đoán, không cho con làm theo sở thích của mình sẽ khiến cho trẻ mất đi cảm giác tự do, chúng sẽ cảm thấy bí bách vì không được làm theo thứ mình muốn. Thậm chí, nếu bố mẹ cấm đoán con quá nhiều, họ sẽ mất đi cơ hội được nghe ý kiến từ con. Chúng sẽ tự đưa ra quyết định mà không cần hỏi bố mẹ, vì chúng biết có khi hỏi thì cũng không nhận được sự cho phép.

Khi một đứa trẻ dần lớn lên, hãy cho trẻ nhiều tự do hơn trong việc lựa chọn quần áo, các địa điểm du lịch và các hoạt động ngoại khóa. Tất nhiên, là phụ huynh có quyền quyết định cao nhất. Tuy nhiên, đồng hành với trẻ trong việc ra quyết định có thể dạy cho trẻ những bài học quan trọng, chẳng hạn như những quyết định của trẻ ảnh hưởng như thế nào tới người khác.

 

Theo Thanh Loan (Khám phá)