Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

8 cách tuyệt vời để dạy con thể hiện sự biết ơn


Lòng biết ơn không chỉ là một bài học đạo đức cơ bản cần dạy con mà còn là cách giúp con có ý thức và trách nhiệm hơn trong cuộc sống, đặc biệt là khi bước vào độ tuổi trưởng thành.

Infographic dưới đây sẽ chia sẻ với cha mẹ những bí kíp vô cùng hữu ích khi dạy con thể hiện sự biết ơn với người khác.


Các bài học đơn giản nhưng hiệu quả giúp bố mẹ dạy con cách thể hiện lòng biết ơn:

1. Học nói lời cảm ơn

Tập nói "Cảm ơn" bằng nhiều thứ tiếng khác nhau là một cách thú vị giúp bé ghi nhớ thói quen này, không chỉ thế con có thể sử dụng "Lời cảm ơn" vào bất cứ lúc nào con cần khi giao tiếp.

2. Tạo nên truyền thống riêng của con

Trước giờ ăn, giờ đi ngủ... con có thể hỏi và lắng nghe chia sẻ của một vài người thân về người mà họ rất biết ơn. Đó là sẽ một cách sinh động giúp em hiểu về lòng biết ơn và cách mà mọi người "thực hành" nó trong cuộc sống hàng ngày.

3. Sẵn sàng giúp đỡ mà không cần đợi yêu cầu

Hãy bắt đầu bằng việc "tự nguyện" làm những việc nhỏ nhất trong nhà như dọn bàn ăn, lau chùi bát đĩa, cất gọn đồ chơi....

4. Làm gương cho các em nhỏ hơn

Hãy cho các con biết là các em nhỏ luôn quan sát và học theo những điều mà anh chị chúng làm, vì thế, con hãy gương mẫu và cùng các em thực hiện những việc vừa sức cùng nhau.

5. Ôm một ai đó mà không cần lý do đặc biệt

Nói với người đó rằng con cảm ơn họ vì họ đã luôn ở bên con. Đôi khi những điều giản dị nhất lại là điều tuyệt vời nhất.

6. Tạo một cuốn nhật ký hoặc album

Để lưu giữ lại những bức ảnh đẹp, những tranh vẽ... của con về một ai đó, điều gì đó đặc biệt, có ý nghĩa với con cũng là một cách để con học về lòng biết ơn rất ý nghĩa.

7. Luôn nhớ đến công lao của người khác

Cô bán hàng tạp hóa, chú lao công hay bác đưa thư... là những người âm thầm giúp đỡ chúng ta và nhiều người khác. Hãy giúp con chuẩn bị những tấm thiệp nhỏ để gửi lời cảm ơn tới họ vào một dịp đặc biệt nào đó.

8. Là người biết lắng nghe

Hướng dẫn và cùng con học cách lắng nghe người khác, vì nếu con chỉ luôn luôn nói và nghĩ về mình thì con sẽ không thể lắng nghe và học hỏi được từ bất cứ ai.

Theo Mẹ Sóc / Trí Thức Trẻ