Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bố mẹ Việt thích dạy con bề nổi nên hời hợt chiều sâu


Một điều dễ nhận thấy là hiện nay, bố mẹ Việt không tiếc thời gian và tiền bạc để dạy con thông minh, học năng khiếu, nghệ thuật... nhưng lại rất thờ ơ và chủ quan với việc dạy con các giới hạn về an toàn, trong đó có "an toàn tinh thần".

Bố mẹ thường có xu hướng chú ý đến việc làm thế nào để tránh cho trẻ bị những tổn thương liên quan đến cơ thể, nhưng còn những tổn thương liên quan đến tinh thần thì chúng ta chưa chú trọng một cách đúng và đủ. Các nguyên tắc đảm bảo an toàn về tình thần bố mẹ Việt hay lơ là gồm có:

- An toàn giới tính: Việc dạy cho trẻ ý thức về giới tính của bản thân và sự tự vệ giới tính vẫn còn là điều mà bố mẹ quan tâm chưa đúng mức. Từ 2 tuổi chúng ta đã cần dạy cho trẻ những kiến thức chung về phân biệt giới tính giữa nam và nữ cũng như các tình huống có thể xảy ra và cách tự vệ đơn giản nhất trong những tình huống đó.

Ý thức về an toàn giới tính của bố mẹ cũng chưa được cao khi hình ảnh các bộ phận kín của các bé vẫn ngang nhiên được chụp và khoe trên các trang mạng xã hội hay được khoe ở ngoài đường khi người lớn hồn nhiên cho trẻ đi tiểu tiện giữa thanh thiên bạch nhật (chưa nói đến vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường).

- An toàn giao tiếp: Dạy con cần làm gì để tự bảo vệ khi có người lạ đến bắt chuyện, cần làm gì khi bị bạn học, trẻ con hàng xóm hay người lớn bắt nạt, xô xát cũng là những điều cha mẹ cũng cần phải lưu ý.

- An toàn thông tin: Những hình ảnh trẻ em bắt chước làm chuyện người lớn, những lời nói khó nghe từ những đứa trẻ mới chỉ vài tuổi, những hành vi bạo lực thái quá chính là hậu quả của việc người lớn không ý thức về an toàn thông tin mà trẻ có thể quan sát, nghe ngóng và bắt chước được.

Có những em bé 4 tuổi đã có thể tự mình vào youtube và có thể xem bất cứ thứ gì em muốn! (Ảnh minh họa: Internet)

Chúng ta chưa hiểu rõ mức độ nghiêm trọng mà những thông tin trên Internet và tivi đang đầu độc những đứa trẻ và việc phải thiết lập khóa an toàn, tường lửa, các kênh giới hạn cho con xem được còn quá xa lạ ở Việt Nam. Có những em bé 4 tuổi đã có thể tự mình vào youtube và có thể xem bất cứ thứ gì em muốn, cha mẹ có đảm bảo con không lén xem lúc cha mẹ không có ở đó hay không? Hay có những em bé cấp 1 đã sử dụng Facebook và điện thoại di động thông minh, những thứ giống như con dao 2 lưỡi, có thể làm lệch lạc suy nghĩ của các em bất kì lúc nào.

Những lời nói và hành vi không chuẩn mực của người lớn cũng có thể trở thành phương tiện "không an toàn" đối với hành vi và cách ứng xử của một đứa trẻ. Nếu người lớn chửi bậy con cái cũng sẽ chửi bậy theo, nếu người lớn bạo lực trẻ sẽ bắt chước hành vi đó và nếu người lớn cư xử thiếu văn hóa với những người khác thì trẻ cũng sẽ làm theo như vậy. Bởi vậy an toàn thông tin, tưởng là một điều không đáng quan trọng nhưng lại cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay, để góp phần hình thành nhân cách lành mạnh của một đứa trẻ.

- Bạo lực tinh thần: Đây cũng là một trong những kiến thức về an toàn và bố mẹ Việt có hiểu biết mơ hồ và yếu kém nhất. Nhiều hành động của chúng ta, tưởng như là vô tình và hiển nhiên lại khiến một đứa trẻ tổn thương. Chúng ta không chỉ bảo vệ trẻ khỏi tổn thương về thể chất mà còn cần bảo vệ con khỏi tổn thương về tinh thần.

Vô tình bàn luận về những vụ giết người, những sự việc rùng rợn trước mặt của một đứa trẻ có thể khiến con trẻ trở nên khiếp đảm. Những lời nhiếc móc, trách mắng của cha mẹ như: "Con là một đứa trẻ hư" hay "Có mỗi thế mà không làm được" có thể khiến một đứa trẻ trở nên mặc cảm tự ti. Sự so sánh cân đo đong đếm của cha mẹ với những đứa trẻ khác khiến trẻ cảm thấy mình thất bại và có thể sinh ra cảm xúc chống đối. Đã bao nhiêu người trong chúng ta lớn lên và luôn cảm thấy khó chịu mỗi khi nhắc đến cụm từ "Con nhà người ta"?

Những lời hứa không thực hiện được, những lời nói dối sẽ khiến đứa trẻ thất vọng, liệu con còn có thể có niềm tin vững chắc và cảm giác an toàn nữa hay không? Những lời dọa dẫm của người khác hòng khiến trẻ nghe lời sẽ gieo rắc lên sự sợ hãi trong con trẻ và trẻ chỉ nghe lời vì sợ chứ không phân biệt được đúng, sai. Những lời trêu chọc, những câu nói đùa tưởng như vô tình cũng có thể khiến trẻ rút lui vào trong vỏ ốc. Bạn có biết rằng có những trẻ em sau khi nghe người lớn đùa rằng "Mẹ có em bé thì sẽ bị ra rìa" quá nhiều sau đó đã bị bệnh trầm cảm và cần can thiệp tâm lý hay không?

- Chuẩn bị cho con trước những biến cố, thay đổi lớn: Bảo vệ con khỏi những cú sốc tâm lý khi có những thay đổi lớn hay dạy con cách tự làm quen với thay đổi cũng chính là dạy con về an toàn tinh thần mà nhiều cha mẹ đã bỏ qua.

Khi chuyển nhà, khi đi học mẫu giáo, chuyển trường, mẹ sinh em bé hay gia đình có người thân sắp mất đều là những bước chuyển đổi rất lớn đối với tâm lý của trẻ và chúng ta cần phải quan tâm đúng cách cũng như dần dần giúp bé đối phó với những sự thay đổi này. Tuy nhiên ở Việt Nam, chúng ta lại nghĩ đến sự tiện lợi nhiều hơn khi không nói với con rằng mình sắp chuyển nhà hay không cho con đi thăm nhà mới, hoặc là cho con đi học mẫu giáo ngay khi mẹ vừa sinh em bé.... Những sự đột ngột như thế có thể khiến bé bị sốc vì chưa chuẩn bị tinh thần và dẫn đến những tổn thương mà cha mẹ không ngờ tới.

Theo Mẹ Ong Bông / MASK Online