Đó là kinh nghiệm của thầy Lê Quốc Trí - Giáo viên Trường Mầm non Họa Mi Thị trấn Giông Riềng (Kiên Giang).
Thầy Trí là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và là một trong số ít giáo viên của tỉnh Kiên Giang vinh dự được tham dự Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc năm 2014.
Tạo môi trường âm nhạc cho trẻ
Theo thầy Trí, giáo dục âm nhạc là hoạt động nghệ thuật được trẻ mẫu giáo rất yêu thích. Đây là loại hình được xem như phương tiện để thực hiện các hoạt động giáo dục một cách hiệu quả ở trường Mâm non.
Do đặc diểm tâm sinh lý lứa tuổi mẫu giáo, các cháu tuy còn nhỏ tuổi nhưng rất thích cái đẹp, mầu sắc sặc sỡ, mới lạ. Để tiến hành hoạt động âm nhạc cần tạo ra một môi trường âm nhạc là rất cần thiết.
Vì vậy giáo viên có thể tạo nhiều đồ dùng, đồ chơi đẹp, hấp dẫn trang trí xung quanh lớp. Ví dụ như có thể sử dụng đồ dùng điện tử hiện đại như: Đàn Oocgan, ti vi, đầu đĩa, vi tính, tô vẽ tranh, sưu tầm tranh ảnh từ hoạ báo, lịch...có nội dung về hoạt động âm nhạc, nội dung bài sắp học để trang trí hoặc làm đồ dùng cho giảng dạy.
Chuẩn bị đồ chơi âm nhạc
Đồ chơi âm nhạc là nhu cầu tự nhiên không thể thiếu đối với cuộc sống của trẻ. Vì vậy giáo viên cần chuẩn bị đồ chơi âm nhạc. Theo đó, giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy ở cấp học mầm non làm đa dạng hoá hình thức dạy học, giúp trẻ được thay đổi không khí mới, hấp dẫn, trong giờ học, tạo cho trẻ niềm hứng thú, hăng say tích cực tham gia vào hoạt động, làm cho hiệu quả giáo dục cao.
Đặc biêt giúp giảm bớt đồ dùng không cần thiết, giảm bớt sức lao động của giáo viên và giảm bớt chi phí.
Thầy Trí dẫn giải: Để dạy trẻ tôi không chỉ sưu tầm trên mạng tôi còn tìm các trò chơi trong phần mềm cài đặt, mua băng đĩa có nội dung liên quan đến kiến thức cần truyền đạt, quay phim làm đĩa để dạy trẻ cho phù hợp với bài học.
Ví dụ: Dạy múa bài Cháu yêu bà của tác giả Xuân Giao. Để chuẩn bị cho bài giảng, ý tưởng của tôi tạo cho trẻ hứng thú và khơi gợi tình cảm của cháu đối với bà của mình bằng cách cho trẻ xem video clip vở kịch rối tóm tắt theo truyện Tích Chu. Tôi tập kể diễn cảm tóm tắt nội dung cốt truyện, sưu tầm rối hình cậu bé Tích Chu, Bà cụ, Bà tiên, tập đóng kịch, dựng cảnh.
Ngoài ra, giáo viên có thể tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động âm nhạc trong ngày hội, ngày lễ. Vào ngày lễ hội như: ngày khai giảng, ngày nhà giáo Việt Nam, tết trung thu...là những ngày có hình thức tổ chức quan trọng trong việc tạo ra môi trường âm nhạc phong phú và sinh động.
Ngày lễ, ngày hội có các hoạt động nghệ thuật đa dạng như hát, múa, đóng kịch...tạo cho trẻ niềm phấn khởi, vui vẻ, những cảm xúc mới mẻ, tăng cường khả năng cảm thụ âm nhạc, mở rộng nhận thức cho trẻ.
Ngày lễ, hội là cơ hội cho giáo viên và trẻ trong toàn trường giao lưu, hiểu biết nhau hơn, đồng thời tạo cơ hội cho trẻ nâng cao các kỹ năng hoạt động nghệ thuật. Trẻ hiểu thêm những điều mới lạ chỉ có trong ngày hội, ngày lễ, đồng thời củng cố những điều trẻ đã lĩnh hội được.
Hàng ngày, tôi luôn chú ý thường xuyên rèn những kỹ năng vận động theo nhạc Khi nhà trường có kế hoạch tổ chức tôi lựa chọn các nội dung phù hợp để luyện tập, chuẩn bị trang phục cho trẻ. Khi biểu diễn tôi nhận thấy ở trẻ rất hào hứng, tự tin, có ý thức trong khi biểu diễn".
Theo GD&TĐ