Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Việt Nam đạt được những tiến bộ vượt bậc về quyền trẻ em


Nhân kỷ niệm 25 năm ngày ra đời của Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, ngày 4/12, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2014 với chủ đề "Hình dung mới về tương lai: Đổi mới sáng tạo cho mọi trẻ em".


Hầu hết các trẻ em đều được đi học tiểu học. Ảnh: Anh Tiếu


Phát biểu tại lễ công bố, ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1989. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này vào năm 1990.


Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện quyền của trẻ em. Tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi giảm 75% và hầu hết các trẻ em đều được đi học tiểu học. Tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp loại trừ bệnh bại liệt vào năm 2000 và xóa bỏ bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005.


Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phát biểu bày tỏ cảm ơn các tổ chức quốc tế, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đoàn thể trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thời gian qua; nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào giai đoạn xây dựng kế hoạch cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.


Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2014 là một báo cáo có ý nghĩa để Việt Nam biết được vị trí, kết quả của việc thực hiện quyền trẻ em Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em, trong đó quan tâm đến đảm bảo các chính sách, dịch vụ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số; tăng cường sự tham gia của trẻ em, của cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em.


Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng hoan nghênh và ủng hộ các ý tưởng, sáng kiến đổi mới, đặc biệt là các giải pháp đến từ chính trẻ em và thanh thiếu niên, để từ đó có thể tiếp cận được nhóm trẻ em thiệt thòi nhất, giúp thực hiện quyền của trẻ em, để các em có thể phát triển hết tiềm năng của mình.


Nhân dịp này, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã nhấn mạnh một số giải pháp sáng tạo mà Việt Nam đã thực hiện nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em như: Thực phẩm chức năng trị bệnh ăn liền do Viện Dinh Dưỡng sản xuất với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. Sản phẩm này đã góp phần tích cực trong việc điều trị suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em một cách hiệu quả và lâu dài. Hiện nay sản phẩm này đang được kiến nghị bổ sung vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi.


Trường Phổ thông dân tộc bán trú do cộng đồng và cha mẹ trẻ em dân tộc thiểu số khởi xướng xuất phát từ thực tế đặc điểm địa lý của vùng núi xa xôi hẻo lánh. Sau một thời gian, mô hình này đã cho thấy một giải pháp hiệu quả để tăng tỷ lệ trẻ em đi học và nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi trẻ em. Mô hình này đang được Nhà nước công nhận, hỗ trợ và đã mở rộng từ 13.230 học sinh ở hai tỉnh ban đầu năm học 2010-2011 đã lên đến 128.643 học sinh ở 26 tỉnh năm học 2013-2014.


Cuộc thi lập trình trên thiết bị di động đầu tiên của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc vào năm 2013 tập trung vào đề tài sáng tạo cho trẻ em. Trong bối cảnh mạng lưới viễn thông và internet phát triển nhanh ở Việt Nam, cuộc thi là một nỗ lực nhằm phát triển ứng dụng phần mềm di động thử nghiệm để có thể phát hành rộng rãi miễn phí thông qua nền tảng mã nguồn mở cho các nhân viên cứu trợ, nhân viên xã hội và những người sử dụng thiết bị di động.


Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2014 kêu gọi Chính phủ các nước, các chuyên gia về phát triển, các doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng cùng chung tay để đưa ra những ý tưởng mới cho các giải pháp về những vấn đề nổi cộm mà trẻ em đang phải đối mặt và tìm ra phương cách mới để có thể nhân rộng giải pháp sáng tạo hiệu quả của địa phương.


Theo TTXVN