Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nạn buôn bán trẻ em gia tăng trên toàn thế giới


Cơ quan Phòng chống Tội phạm và Ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) cảnh báo các vụ liên quan đến tội phạm buôn bán trẻ em đang gia tăng. Thế giới hiện có hơn 510 đường dây buôn bán người và ít nhất 152 quốc gia có nạn nhân "lọt" vào tay các băng nhóm tội phạm buôn người.


Theo báo cáo của UNODC, 1/3 nạn nhân được phát hiện trong các vụ việc buôn bán người là trẻ em, tăng 5% so với giai đoạn 2007-2010. Số nạn nhân là trẻ em gái cùng với nạn nhân là nữ chiếm 70%. Ít nhất 152 quốc gia là điểm xuất phát và 124 quốc gia là điểm đến của nạn buôn người. Cùng với đó, hơn 510 đường dây buôn lậu đang hoạt động trên khắp thế giới.


Ở khu vực Đông Nam Á, nạn nhân là trẻ em chiếm 33%, châu Phi và Trung Đông là 62%. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, buôn bán người cho lao động cưỡng bức, làm việc trong các ngành gia công và xây dựng, dệt may tăng đáng kể. Trong đó, khoảng 35% nạn nhân của buôn bán cho lao động cưỡng bức là phụ nữ.

 

Với tiến trình hòa nhập làm gia tăng sự dịch chuyển giữa các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách ở khu vực Đông Nam Á quan ngại điều này cũng sẽ làm làm gia tăng nạn buôn bán người do trình độ quản lý và hệ thống tư pháp vẫn còn yếu kém.


Tại Việt Nam, nạn buôn bán người từ trẻ sơ sinh đến phụ nữ tồn tại từ lâu. Trước đó, giữa tháng 3/2014, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây buôn bán trẻ sơ sinh, đẻ thuê... quy mô lớn. Không những dụ dỗ các gia đình bán con, kẻ gian còn lập trang web rao bán trẻ sơ sinh. Nhóm tội phạm này từng giao dịch thành công với việc bán hơn chục bé sơ sinh sang Trung Quốc và kiếm lời hàng chục triệu đồng. Không chỉ có vậy, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới cũng đáng báo động. Đơn cử: Theo số liệu của cơ quan chức năng trong giai đoạn 2005-2013, 10 địa phương có biên giới giáp Lào đã phát hiện, bắt giữ 85 vụ, 179 đối tượng, lừa bán 234 nạn nhân, trong đó có 33 vụ với 83 đối tượng lừa bán 151 nạn nhân sang Lào.

 

Trước thực trạng này, ông Yury Fedotov - Giám đốc Điều hành UNODC - nhấn mạnh: "Cần hải thay đổi! Mọi quốc gia cần thông qua Công ước Liên hợp Quốc về Phòng chống Tội phạm xuyên Quốc gia và Nghị định thư về Ngăn ngừa, Phòng chống và Trừng phạt nạn buôn bán người và cam kết thực hiện đầy đủ các Công ước này".

 

Theo songmoi.vn