Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

GDMN: Kinh nghiệm tổ chức việc học chữ ở trường mẫu giáo


Việc tập cho trẻ viết những chữ cái đầu tiên thật khó. Cái khó trước tiên là làm sao để trẻ cảm thấy hưng phấn trong việc rèn chữ và từ đó đem lại cho trẻ niềm ham thích cho các buổi tập viết tiếp theo. Đây là một số kinh nghiệm mong rằng sẽ giúp các cô giáo mầm non và phụ huynh làm công tác rèn chữ cho trẻ được tốt hơn. 1. Thời gian học trong một ngày: Theo phương pháp Handwriting Without Tears ( HWT-Tập viết không khóc nhè- tạm dịch) – một phương pháp dạy trẻ mầm non hiện đại - thì giáo viên chỉ cần 15 phút mỗi ngày. 10 phút đầu cô dành để giới thiệu và hướng dẫn cho một nét chữ hay một chữ cái. 5 phút tiếp để trẻ luyện tập với chữ vừa được dạy. Nếu chỉ luyện tập 5 phút mỗi buổi , bé sẽ giữ được sự thích thú, linh lợi và hào hứng trở lại tập viết vào các buổi tiếp. Thời điểm học trong ngày có thể trích ra từ thời gian học toán hay học bất cứ môn gì trong lớp. Tốt nhất là học vào đầu giờ buổi sáng. Sau đó, cô và trẻ thỉnh thoảng lại thảo luận với nhau về chữ cái học lúc sáng, trẻ sẽ nhập tâm hơn. 2. Thời gian học trong 1 tuần Cho trẻ học chữ chỉ có thể thành công khi cô giáo áp dụng phương pháp phù hợp. Phương pháp HWT đề nghị cô nên dạy 1 nét chữ, rồi đến 1 chữ cái hoàn chỉnh cho đến khi bé viết thành thạo mới nên chuyển qua cái mới. Nghĩa là 1 bài tập có thể kéo dài nhiều ngày trong tuần. Cô phải chắc chắn là cả lớp đều đã nắm được bài học trước khi học chữ mới. Việc học chữ nên đều đặn tất cả các ngày đi học, nhưng mỗi ngày chỉ 15 phút . Ngày cuối tuần ( thứ 6 hay thứ 7 tùy trường) nên là ngày ôn tập tất cả những gì đã học trong tuần. Cô giáo dùng ngày này để đánh giá mức độ thành thạo của từng cháu, không nên tranh thủ dạy chữ mới làm gì. Tuy nhiên, phương pháp cũng khuyến khích các cô dạy trẻ 2 chữ một ngày với điều kiện 2 chữ có nét tương tự nhau ( ví dụ như chữ A, Ă) để trẻ có thể phân biệt. Nhớ duy trì bài tập về 2 chữ cái này cho đến khi các bé đều phân biệt được. 3.Thời gian học trong một năm học Hiển nhiên quỹ thời gian dành cho việc học chữ rất khác nhau ở từng quốc gia, khu vực, trường công, trương tư… Nhìn chung, làm sao sau khóa học trẻ có thể nhận ra các chữ trong bảng chữ cái và ghép được một số từ. Kết thúc khóa học nên có một bài kiểm tra, không phải để lấy điểm, mà để xác nhận lại khả năng tiếp thu của từng cháu và có kế hoạch trong năm học tới. Trong trường hợp thời gian học không có nhiều, cô giáo có thể đẩy nhanh tốc độ bằng cách cho học theo nhóm. Các nhóm chữ cái được chia theo sự giống nhau giữa các chữ, chia theo mức độ khó viết hoặc theo tần số xuất hiện. Ví dụ: Nhóm chữ bắt đầu bằng nét sổ thẳng (L E H D P B R N M K); Nhóm bắt đầu ở trung tâm ( C O Q G)… Nếu được học trong cả năm học, cô sẽ có cơ hội để đánh giá chính xác khả năng học chữ của từng cháu hơn. Theo thời khóa biểu bình thường thì một tuần cô có thể cho trẻ học 2 chữ. Sau 13 tuần trẻ sẽ học xong bảng chữ cái viết bằng chữ thường, cô tiếp tục giới thiệu cách viết chữ hoa. Thời gian học chữ hoa có thể sẽ ngắn hơn chữ thường vì bé đã viết quen rồi. 4.Thời gian hoàn thành vở tập viết Mục đích chính của việc tậpviết ở cấp mầm non không phải là cho trẻ viết kín cuốn vở bài tập hay hoàn thành một chương trình theo qui định, mà là tạo trong trẻ tình yêu với các con chữ, nhận ra mặt chữ và có thể viết thành thạo. Khi đã yêu thích viết lách rồi trẻ sẽ tự giác tập viết mà không cần gò ép. Như vậy, việc hoàn thành vở tập viết khi năm học kết thúc không phải là vấn đề quan trọng lắm. Vấn đề là làm sao duy trì việc học chữ và lòng yêu thích học tập nơi trẻ. Cô hãy tổ chức một buổi triển lãm trưng bày các cuốn vở mà cháu đã viết trong năm. Trẻ sẽ được nhìn lại toàn bộ thành quả lao động của mình, chỉ cho người thân của mình xem. Việc này sẽ làm bé thêm tự hào về những gì đã làm được và tiếp tục học tập rèn luyện cho những cuộc triển lãm sau. Vũ Hà (Mamnon.com)