Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mỹ ban hành quy định dán nhãn thực phẩm để chống béo phì


Ngày 25/11, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành thêm các quy định mới về dán nhãn thực phẩm, theo đó yêu cầu các nhà hàng, công ty chế biến thực phẩm và chuỗi nhà hàng ăn nhanh tại nước này công bố đầy đủ thông tin thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm bán cho khách hàng.


Khoảng 35% người Mỹ trưởng thành, tương đương 78,6 triệu người, mắc bệnh béo phì.(Nguồn; AFP/TTXVN)


Những biện pháp này là một phần trong chiến dịch chống bệnh béo phì hiện đang là mối lo ngại đối với sức khỏe người dân ở Xứ cờ hoa này.


Theo FDA, những quy định mới yêu cầu các đơn vị kinh doanh thực phẩm phải công bố chi tiết những chỉ số dinh dưỡng của từng loại thực phẩm trong thực đơn hoặc trên các bảng thực đơn, gồm tổng lượng calo, tổng lượng chất béo, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, natri, tổng lượng hydrat các-bon, chất xơ, đường và protein.


Những thông tin về mức calo phải được trình bày rõ ràng, ở dạng chữ tương đương hoặc lớn hơn so với tên và giá đồ ăn trong thực đơn. Đối với một số món ăn như sa lát tại quầy bar và quầy ăn tự phục vụ, thông số về calo phải được đặt bên cạnh thực phẩm.


Việc hoàn tất các quy định mới này là yêu cầu bắt buộc trong Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền ban hành năm 2010 và sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2015.


FDA cho hay những biện pháp mới này được áp dụng đối với các chuỗi nhà hàng hay chuỗi công ty bán lẻ thực phẩm có hơn 20 điểm bán tại Mỹ và sử dụng thực đơn giống nhau.


Đặc biệt hơn, quy định mới còn nhắm tới các nhà hàng ăn nhanh, các cửa hiệu bánh mỳ, quán càphê và các cửa hàng thực phẩm tiện ích hay tạp hóa.


Bên cạnh đó, các hãng đồ ăn giao tận nhà như pizza, hay điểm bán đồ ăn nhanh tại khu vực vui chơi giải trí hoặc những máy bán thực phẩm tự động cũng đều phải tuân thủ những quy định mới này.


Tuy nhiên, những loại thực phẩm chế biến theo mùa hay thực phẩm và gia vị đặc biệt lại không nằm trong khuôn khổ các biện pháp mới.


Theo FDA, các nhà hàng và chuỗi nhà hàng bán lẻ sẽ có một năm để thực hiện những nội dung trên, trong khi đó thời gian này đối với các máy bán hàng tự động là 2 năm.


Trong một tuyên bố, bà Margaret Hamburg, một thành viên của FDA, nhìn nhận việc ban hành quy định công bố thông tin về giá trị dinh dưỡng đối với các nhà hàng và máy bán hàng tự động là một bước đi quan trọng, giúp người sử dụng có cơ hội lựa chọn thực phẩm cho chính họ và gia đình.


Theo bà Hamburg, lượng calo mà người Mỹ hấp thụ khi ăn ở ngoài chiếm khoảng 1/3 tổng lượng calo họ hấp thụ trong ngày, do vậy các quy định mới sẽ cung cấp cho họ những thông tin chuẩn xác về loại thực phẩm.


Quy định mới về công bố thông tin dinh dưỡng nhận được sự hoan nghênh của những người tham gia chiến dịch sức khỏe cộng đồng. Theo họ, quyết định này là bước tiến lớn nhất trong việc cung cấp thông tin ding dưỡng cho người sử dụng kể từ khi luật dãn nhãn Thông tin Dinh dưỡng trên thực phẩm đóng gói được áp dụng cách đây 20 năm.


Tuy nhiên, Hiệp hội cửa hàng tạp hóa quốc gia lại tỏ ra thất vọng với quy định mới của FDA vì cho rằng mô hình cửa hàng tạp hóa không thuộc chuỗi nhà hàng.


Theo số liệu mới đây của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 35% người Mỹ trưởng thành (tương đương 78,6 triệu người) mắc bệnh béo phì.


Số người mắc căn bệnh này gia tăng còn kéo theo chi phí chữa bệnh đắt đỏ. CDC ước tính chi phí chữa trị cho bệnh nhân béo phí trong năm 2008 vào khoảng 147 tỷ USD.


Trong khi đó, trung bình mỗi người bị quá cân tiêu tốn khoảng 1.500 USD trong công tác chăm sóc sức khỏe./.


Theo TTXVN