Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dinh dưỡng đúng cho bé vào mùa đông


Vào mùa đông, cơ thể bé cần nhiều tinh bột hơn. Do đó, mẹ có thể tăng thêm cho bé chút bột (cháo) hay cơm so với mùa hè. Ngoài tinh bột trong cơm, gạo, mì..., mẹ có thể cho bé ăn thêm tinh bột trong khoai tây, khoai lang, bí đỏ...

Những lưu ý khác trong dinh dưỡng cho bé mùa đông:

Vitamin D

Mùa đông thường ít nắng nên việc tổng hợp vitamin D của cơ thể gặp khó khăn hơn mùa hè. Bởi vậy, mẹ cần tăng cường vitamin D cho bé qua dinh dưỡng. Nguồn thực phẩm giàu vitamin D gồm sữa, trứng, váng sữa, fromage, sữa chua...

Nên cho bé uống sữa ấm, không phải sữa lạnh để bảo vệ cổ họng bé.

Với bé trên một tuổi thích uống sữa tươi thì mẹ vẫn phải cho bé uống thêm các loại sữa bột để đảm bảo cung cấp năng lượng. Mẹ lưu ý không đun sôi sữa cho bé uống vì làm vậy thì các vitamin sẽ bị hủy hoại do nhiệt.

 

Vitamin C

Vitamin C có tác dụng tăng cường miễn dịch cho cơ thể bé. Bởi thế, mùa đông mẹ cần cho bé ăn rau củ quả hàng ngày. Các loại quả như bưởi, cam, quýt, dâu tây, cà chua... rất giàu vitamin C lại phong phú trong mùa đông. Bé cũng cần ăn thêm sữa chua để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm khuẩn, đặc biệt là hệ hô hấp và tiêu hóa. Các món giàu kẽm như hải sản, trứng, cá, thịt... cũng giúp cơ thể bé khỏe mạnh, tránh ốm đau.

Đừng quên nước lọc

Về nhu cầu nước, đối với bé trên 6 tháng đến 1 tuổi thì cứ mỗi một kg cân nặng của bé thì cần 100ml nước, bao gồm cả sữa.

Đối với bé trên 1 tuổi (trên 10kg), cứ mỗi 10kg cân nặng đó có nhu cầu 1 lít nước. Và mỗi 1 cân nặng thêm thì bổ sung thêm 50ml nước cho bé.

Những thực phẩm nên tăng cường cho bé mùa đông

Kiwi: Kiwi dồi dào vitamin C giúp bé tránh cảm lạnh và cảm cúm. Đồng thời, loại quả này vô cùng phong phú folate, kali, chất xơ, chất oxy hóa rất tốt cho bé.

Carrot: Carrot là loại củ giàu dinh dưỡng. Carrot chứa hàm lượng chống oxy hóa và chống viêm cao, giúp bé phòng bệnh về hô hấp. Nó cũng nhiều vitamin A, giúp tăng sức khỏe cho da và mắt của bé trong mùa đông. Carrot còn giúp bé tăng miễn dịch trong mùa lạnh.

Quýt: Quýt nhiều vitamin C, giúp bé tăng sức đề kháng.

Sữa chua: Vào mùa đông, nhiều mẹ không cho bé ăn sữa chua. Điều này là một sai lầm. Mẹ chỉ nên tránh cho bé ăn khi sữa chua còn lạnh quá (vừa lấy trong tủ lạnh ra) chứ không nên "cai" hẳn món sữa chua cho bé.

Sữa chua giúp bé cải thiện sức khỏe đường ruột trong mùa đông. Đồng thời, nó giàu protein và canxi, giúp bé khỏe xương và tăng năng lượng.

Cá hồi: Cá hồi giàu omega3 và vitamin D, B, E và các chất như kẽm, đồng, sắt, selen, mangang giúp bé thêm khỏe mạnh.

Củ cải: Không chỉ giàu chất oxy hóa, củ cải còn dồi dào vitamin C, B, kali, chất xơ.

Trứng: Trứng giàu sắt, photpho, protein và nhiều axit amin khác mà cơ thể bé cần.

Súp lơ xanh: Giàu vitamin B, C, A, súp lơ xanh cũng dồi dào chất xơ, canxi và magie. Các chất oxy hóa trong súp lơ xanh giúp khôi phục tế bào da bị hư tổn. Hơn nữa, súp lơ xanh còn chứa isothiocyanates - chất có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư.

Yến mạch: Yến mạch giàu vitamin và chất khoáng, chất xơ, kẽm, sắt phù hợp cho bữa sáng của bé.

Ớt chuông: Ớt chuông nhiều lycopene, vitamin A và C cùng các chất dinh dưỡng khác như mangan, kali cần thiết cho sức khỏe của bé.

2 không trong dinh dưỡng của bé mùa đông

- Không cho gia vị cay, nóng khi nấu bột (cháo) cho bé: Vào mùa đông, người lớn thường dùng các gia vị làm nóng như gừng, giềng, hạt tiêu... Nhiều mẹ nghĩ cho bé ăn gừng, giềng... để bé ấm hơn. Theo các bác sĩ dinh dưỡng, mẹ có thể nêm chút hạt tiêu, gừng (gia vị ướp thịt, cá...) khi nấu cháo cho bé (thường là bé trên 8 tháng tuổi) nhưng không nên quá lạm dụng. Gia vị cay nóng sẽ kích thích niêm mạc dạ dày của bé, gây hại cho đường tiêu hóa.

- Không ép bé ăn quá nhiều: Mẹ đừng nghĩ mùa đông thì phải cho bé ăn thật nhiều. Việc ăn quá nhiều, lại ít vận động làm bé bị tăng cân hoặc mắc bệnh. Vào mùa đông, không nên cho bé ăn nhiều hơn 30% khẩu phần ăn bình thường của bé.

 

Ngọc Huê (mevabe.net)