Dù đã có cam kết giảm bớt quảng cáo trên truyền hình để không ảnh hưởng tới trẻ em và thanh thiếu niên, song trên thực tế, nhóm đối tượng này vẫn là mục tiêu chính của các nhà quảng cáo nước ngọt. Về mặt hình thức, các quảng cáo đồ uống ngọt đã giảm bớt trên truyền hình, song các hãng nước ngọt vẫn rất khôn ngoan khi "bỏ tiền" đầu tư vào các phương thức quảng cáo khác như bố trí nơi đặt sản phẩm hay sử dụng mạng truyền thông xã hội để mê hoặc giới trẻ.
Ảnh: Reuters
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chính sách thực phẩm và bệnh béo phì Yale Rudd, lượng quảng cáo đồ uống ngọt trên truyền hình năm 2013 đã giảm 39% lượng thời gian đập vào mắt trẻ từ 6-11 tuổi so với năm 2010. Thống kê tương ứng với nhóm tuổi 12-18 cũng giảm khoảng 30%. Số lượng quảng cáo trên các trang chủ yếu có khách truy cập là trẻ em cũng đã giảm trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Yale cũng chỉ ra rằng: thực tế, các nhà giải khát ở Mỹ đã đổ tới 866 triệu USD cho đồ uống không lành mạnh, và con số này gấp 4 lần nước tinh khiết và nước trái cây. Đồng thời cảnh báo rằng: các nhà tiếp thị không hề thay đổi khách hàng mục tiêu và đã có cách lách luật.
Theo một chương trình tự nguyện có tên gọi là Sáng kiến quảng cáo đồ uống và thực phẩm cho trẻ ở Mỹ, các công nước ngọt đã cam kết không quảng cáo đồ uống, trừ nước trái cây, nước trắng hay sữa và các thức uống được chế biến từ sữa - cho bất kỳ trẻ nào dưới 12 tuổi. Họ thực sự đã giảm quảng cáo trên truyền hình. Nhưng lại thúc đẩy ở một phương diện khác. Các công ty nước giải khát tiếp tục "đánh" vào trẻ em và thanh thiếu niên thông qua các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter cũng như các ứng dụng di động. Phần lớn quảng cáo thông qua con đường này là các sản phẩm không lành mạnh, bởi chưa bị quản thúc chặt như trên truyền hình. Coca-Cola, Red Bull và Pepsi nằm trong top những tài khoản được "like" trên Facebook, Twitter, YouTube. Monster Energy và Rockstar, hai nhãn hiệu thức uống năng lượng, cũng nằm trong số những nhãn hiệu hoạt động tích cực nhất trên truyền thông xã hội.
Thậm chí, ngay cả quảng cáo truyền hình, về tổng thể thì giảm, nhưng xét riêng ở một số thương hiệu có thị phần lớn thì thực tế lại tăng. Chẳng hạn như lượng quảng cáo trên truyền hình của đồ uống ngọt nhãn hiệu Pepsi đập vào mắt trẻ mẫu giáo đã tăng 39%, trong khi đó trẻ từ 6-11 tuổi thì lại đang nhìn thấy lượng quảng cáo của Red Bull năm 2013 nhiều hơn 2010 tới 59%. "Họ cố nói về việc đưa ra các lựa chọn lành mạnh và các sản phẩm ít đường hơn. Nhưng họ tiếp tục tiếp thị sản phẩm nhiều đường cho trẻ em và thanh thiếu niên", Jennifer Harris - một trong những tác giả bản báo cáo trên đã "tố cáo" sự "gian lận" của các nhà quảng cáo nước ngọt
Không những vậy, mặc dù các công ty cam kết cắt giảm lượng calo, các nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy trung bình trong 230ml đồ uống ngọt điển hình chứa 60 calo và 16gr đường, nhiều hơn lượng cần thiết cho trẻ trong cả một ngày.
Các công ty đã lên tiếng phản đối báo cáo của Yale, cho rằng đó là những thông tin sai lệch. Tuy nhiên, đây cũng không phải báo cáo đầu tiên đưa ra kết luận như vậy.
Theo songmoi.vn