Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bài toán thu nhập giáo viên khó giải


Nghề giáo được mệnh danh là một nghề cao quý và luôn được coi là một nghề "thanh tịnh" trong sạch. Nếu ai đã ham làm giàu thì khó đi theo nghề giáo, tuy nhiên, từ xa xưa, các ông đồ dù không giàu sang nhưng cũng ít khi thiếu ăn, trong khi giờ đây, chỉ nhìn vào đồng lương giáo viên so với giá cả thị trường hàng ngày cũng đủ thấy thầy cô "khó sống".


Thực trạng thu nhập

Trước đây, theo một nghiên cứu khảo sát thu nhập của giáo viên qua bảng lương cho thấy tính theo năm công tác thì lương giáo viên sau 13 năm trong khoảng từ 3-3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1-4,7 triệu đồng/tháng. Giáo viên mới ra trường ở cả 3 cấp học sẽ nhận được mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Với thời buổi "bão giá" như hiện nay thì số tiền trên, khỏi phải bàn cãi cũng biết là không đủ sống. Thêm vào đó, các thầy cô lại còn phải đợi nhiều năm công tác trong nghề, thâm niên cao thì mới dần được tăng lương. Một giáo viên dạy tiểu học công lập tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Nam từng chia sẻ mức lương 2,5 triệu đồng/tháng của chị chỉ đủ giúp chi trả tiền nhà, điện thoại...còn tiền ăn, tiền mua sắm đều phải dựa vào gia đình.

 

Song không phải ai cũng nhanh vào được biên chế để nhận được nhiều chế độ mà phải làm theo kiểu hợp đồng. Cô giáo mầm non Mai Anh dù đã làm được 4 năm, thường xuyên được giao đứng lớp nhưng vẫn chỉ làm được hợp đồng với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Hay trên Lao động từng có bài viết vào tháng đầu tháng 11 phản ánh 28 giáo viên tiểu học ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phải làm hợp đồng năm một tới 16-17 năm liên tiếp. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng (giáo viên tiểu học Đông Phương) dù làm việc cách nhà 18km nhưng cô vẫn quyết không bỏ nghề. Thế nhưng số tiền lương cô lĩnh về chưa đầy 1 triệu đồng, chỉ đủ cho tiền xăng xe.


"Cái khó ló cái khôn"?

Vai trò của người thầy trong xã hội là hết sức quan trọng khi góp phần bồi dưỡng nhân tài, phát triển giáo dục nhưng cho đến nay tiền lương của nhiều giáo viên, nhất là ở các trường công lập vẫn không được trả tương xứng. Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng chia sẻ "tiền lương là thể hiện sự đối xử với thầy, cô giáo". Với đồng lương ít ỏi, không đủ sống nên nhiều giáo viên mới nảy sinh ra việc làm thêm, dạy thêm để có thể bám trụ với nghề. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm tràn lan; thầy cô giáo "nhắc khéo" phụ huynh cho con đi học thêm. Đấy là còn chưa kể đến tình trạng "biến tướng", thương mại hóa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.


Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể mở lớp dạy thêm, và cũng không phải giáo viên nào cũng vì đồng tiền mà làm "rơi" lòng tự trọng của mình trước phụ huynh và bọn trẻ. Rất nhiều giáo viên vẫn cố xoay xở với khả năng mình có, vì thế, mấy năm trước cũng đã rộ lên thông tin cô giáo sau những giờ lên lớp đã phải "chạy chợ" hoặc bán hàng thêm để trang trải cuộc sống. Còn đối với những giáo viên mầm non muốn tăng thêm thu nhập thì có thể nhận trông con giúp phụ huynh không có điều kiện đón con sớm, nhận trông trẻ vào ngày nghỉ, mùa hè hay đan len, bán hàng online... Trong khi đó, với những thầy cô giáo dạy các môn như giáo dục thể chất, giáo dục công dân thì kiếm việc làm thêm bằng cách đảm nhận nhiều công việc trong trường như quét dọn, nấu ăn, quản lý bán trú, chạy xe ôm...

 

Bên cạnh đó với cấp mầm non, tiểu học làm giáo viên không hề nhàn. "Cô nuôi dạy hổ" lúc nào cũng phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến chiều muộn, chăm lo, chiều chuộng cho những trẻ mới bi bô biết nói làm quen với cuộc sống đến khi sẵn sàng bước vào lớp 1. Còn giáo viên tiểu học thì mỗi ngày đều phải nói to, giảng chậm, nhận xét bài vở cho các em học sinh đã chiếm lấy hầu hết thời gian nghỉ ngơi của các thầy cô. Đặc biệt là lớp học thường xuyên lại trong tình trạng "quá tải" nên nhiều giáo viên luôn phải "gồng mình" hoàn thành tốt nhiệm vụ "trồng người" này.

 

Mới đây, đã có bài báo cho biết thu nhập của giảng viên đại học có thể lên đến 1 tỷ đồng/năm, còn với những giáo viên tiểu học dạy thêm 3 ca trong hè, nhẩm tính ra họ cũng có thể kiếm vài trăm triệu khi mỗi học sinh đóng 1,2 triệu/tháng, 1 lớp 30 học sinh, một ngày 3 lớp. Vì thế, đã có người coi làm giáo viên sướng, thu nhập lại cao, nhất là dựa vào mấy khoản ngoài lề (ngày lễ Tết, 20/11, 20/10; dạy thêm...) Nhưng số giáo viên giỏi "xoay xở" như vậy vẫn chiếm số ít, còn lại vẫn chỉ dựa vào đồng lương căn bản thì cuộc sống của họ quả là chật vật. Xã hội vẫn cần có những sự tôn trọng đáng kể với nghề giáo bởi hơn ai hết, việc nuông chiều hay khắt khe với các thầy cô đều là cái nhìn sai lệch về nghề giáo, khiến người giáo viên đã "lúng túng" trong thời buổi thị trường lại càng dễ mất phương hướng, khó giải bài toán thu nhập cho chính mình.

 

Theo songmoi.vn