Không chỉ là giáo án, chương trình bình thường, nhiều giáo viên thường tiếp xúc với học trò có những hoàn cảnh đặc biệt. Những lúc như thế mới thấy tình yêu thương của người thầy lớn lao đến dường nào.
Cô Trương Thị Thiên với những học trò tự kỷ - Ảnh: Như Lịch
Khai mở "thế giới trắng"
Trẻ tự kỷ thường "trình diện" giáo viên trong cảnh bùng nổ cơn giận hoặc trầm cảm. Dẫu vậy, vẫn có những cánh cửa cuộc đời được mở ra.
Với tấm bằng cử nhân sư phạm, Trương Thị Thiên (25 tuổi) từ Thừa Thiên-Huế vào TP.HCM và hơn 3 năm qua đã gắn bó với trẻ tự kỷ Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí. "Mỗi học sinh ở đây là một tiến trình, một thế giới và khả năng khác nhau. Chính vì vậy, giáo viên phải thấu hiểu tâm tính từng em để có cách can thiệp phù hợp", cô Thiên bộc bạch.
Cô Thiên tâm sự, lúc mới vào dạy, đôi lúc cô cũng muốn... nổi điên theo trò. Bởi nhiều em cào cấu, xô bàn đá ghế, hất đổ luôn mâm cơm. Cô từng bị H.Q, một học sinh của trường, xốc lên ném vào tường mấy lần. Đã vậy, H.Q còn đi vệ sinh ngay trong lớp học rồi bốc trét khắp nơi. Qua tìm hiểu, Thiên và đồng nghiệp nắm được một số nguyên nhân khiến H.Q bùng nổ, đó là: Ở nhà, do không được đi vệ sinh sạch nên em hết sức khó chịu; thời tiết nóng cũng dễ khiến em mất kiểm soát... "Những lần như vậy, chúng tôi dắt bé vô toilet làm vệ sinh lại sạch sẽ, hoặc tạo không khí mát mẻ cho bé dịu xuống", cô Thiên nói.
Lúc mới vô lớp, em K.L nói "tiếng chim" lảm nhảm, không có nghĩa. Đến nay, K.L đã được cô giáo dạy nói đúng hoàn cảnh và nói có nghĩa. "Bây giờ K.L đã biết đọc, biết viết. Đôi khi em còn biết đặt câu hỏi nữa. Hai tháng nay, dạy hoài những bài toán đơn giản nhưng em không biết phân biệt dấu lớn dấu bé. Tới lúc trò làm được, cô rớt nước mắt vì mừng!", cô Thiên xúc động nhớ lại. Theo những cô giáo dạy trẻ tự kỷ, sự tiến bộ của học trò, dù chỉ chút xíu, cũng giúp các cô có thêm động lực để ngày mai cố gắng hơn.
Cô Võ Thị Thùy, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay khả năng chú ý của trẻ tự kỷ rất yếu và các em rất ghét sự thay đổi. Não và các giác quan có vấn đề nên các em không nghe, không nhìn, không nói, không suy nghĩ gì hết - như là "thế giới trắng". Chính vì vậy, phương pháp dạy không thể giống với trẻ chậm phát triển khác mà phải có sự kết hợp giữa sư phạm với ngành y, vật lý trị liệu, tâm lý. Cô Thùy chia sẻ: "Có những ca mà giáo viên, ban giám hiệu phải bàn tới bàn lui tìm lối ra. Vào thứ bảy hằng tuần, nội bộ giáo viên họp bàn cách tiếp cận và can thiệp với từng học trò, giống như đội ngũ bác sĩ hội chẩn trước một ca bệnh khó vậy".
Nhiều giáo viên dạy học sinh tự kỷ khẳng định, món quà vô giá họ nhận được là khi nhìn thấy các em biết đứng trên sân khấu, nhảy được, hát được, không còn hoảng sợ đám đông như trước nữa.
Má Trang của học sinh cá biệt
Cô Nguyễn Thị Thùy Trang (32 tuổi), giám thị kiêm phụ trách công tác tư vấn học đường Trường THCS Tăng Bạt Hổ A (Q.4, TP.HCM) được xem là một người rất "mát tay" trong việc quản lý, giáo dục những học sinh cá biệt.
Cô là người hiểu tâm lý học sinh. Không ít lần cô phải đối mặt với những ca nan giải, liên quan đến học tập, thậm chí là những khó khăn trong cuộc sống của học trò. Rất nhiều học sinh sau này thay đổi thái độ học tập, cư xử và gọi cô bằng 2 từ thân thương "má Trang".
Trò chuyện với chúng tôi, cô Trang kể về một trường hợp rất đáng thương. Có một học trò sống cùng bà ngoại (cha mẹ thì người tù tội, người đã chết), tính khí nóng nảy, hay gây gổ đánh nhau và không nghe lời ai. Sau khi tìm hiểu gia cảnh học sinh này, cô Trang đã làm một quyển sổ "Hành trình đến với chữ tâm" tặng em. Cô không trách phạt hay quở mắng, mà mỗi ngày để em tự liệt kê vào sổ này những lỗi đã gây ra, sau đó tự rút ra nhận xét và nêu biện pháp khắc phục, sửa đổi một cách tự nguyện. Chỉ trong một học kỳ, học sinh này đã thay đổi rất nhiều, giảm tình trạng đánh nhau, chăm học hơn...
Không chỉ có phương pháp hay để "đặc trị" những học sinh cá biệt, mà ở cô Trang còn thể hiện được sự nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh. Cũng trong thời gian cô làm giám thị, có một học trò hay dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Sau khi tìm hiểu thì cô được biết cha của em này có vợ khác và hay đánh em từ sau lưng và trên đầu xuống, nên em "sao y" cách đánh đó với bạn của mình. Đã nhiều lần liên lạc với gia đình nhưng không được, cô phải đi tìm cha của học sinh ở nhiều khu vực mà taxi hay dừng vì cha em hành nghề lái taxi. Cô tìm cách tiếp xúc và trò chuyện để bàn phương án giáo dục, giúp đỡ học trò. Về sau, có nhiều phụ huynh con bỏ học, bỏ nhà đi cũng gọi điện nhờ cô Trang đi tìm và thuyết phục con mình trở về. Theo cô Trang, điều hạnh phúc nhất của người làm công tác giám thị như cô là giáo dục được học sinh cá biệt trở thành người tốt. "Có khi đang đi ngoài đường, học trò gọi mình bằng má, xúc động và hạnh phúc lắm", cô Trang cho biết.
Theo Thanh Niên